Nuôi cua biển trong hộp nhựa dưới tán rừng ven biển Phú Quốc

(PLO)-  Nhận thấy địa phương có nhiều thuận lợi để nuôi cua biển, anh Nguyễn Bửu Lộc (ngụ tỉnh Kiên Giang) mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa dưới tán rừng ven biển, giúp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Anh Nguyễn Bửu Lộc (ngụ ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết, ở đảo Phú Quốc cùng với nhiều loài hải sản khác thì cua biển cũng là một trong những loại hải sản hấp dẫn được nhiều khách du lịch ưa chuộng, chọn thưởng thức.

“Cua biển ở Phú Quốc có mình đen, càng đỏ, thịt chắc, ngọt ngon nên đầu ra ổn định. Tuy nhiên, cua biển ngoài tự nhiên ở Phú Quốc ngày càng ít đi nên tôi quyết định làm mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa cung ra thị trường, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình” - anh Lộc nói.

Theo anh Lộc, dọc theo các con sông chảy ra biển ở Phú Quốc thỉnh thoảng có cua con sinh sống nên anh nảy sinh ý định nuôi thử nghiệm cua dọc theo mé ngay con sông trước nhà mình. Ban đầu, anh Lộc chỉ nuôi khoảng hơn trăm con cua; vừa nuôi vừa tích luỹ kinh nghiệm thực tế, anh cũng khá bất ngờ trước kết quả đạt được là lượng cua hao hụt không nhiều và chất lượng thịt cua không thua kém ngoài tự nhiên.

Người dân ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc nuôi cua biển trong hộp nhựa dưới tán rừng ven biển. Ảnh: MT

“Vì mồi cua ăn là cá biển tự nhiên, thêm nữa mình nuôi ngay ở mặt nước biển dưới tán rừng đước nên môi trường sống của cua cũng như ngoài tự nhiên rồi. Sau đợt nuôi thử nghiệm thành công, tôi nuôi thêm 1.500 con. Để có nguồn cua nuôi gối đầu, tôi còn còn bao lưới nuôi thêm gần 2.000 con cua nhỏ; chờ đến khi cua lớn đạt kích cỡ chừng 3,4cm rồi mình bỏ vô hộp nhựa nuôi tiếp, tránh chúng kẹp nhau gãy càng và tiện cho mình theo dõi, chăm sóc” - anh Lộc cho hay.

Từ đầu năm đến nay, anh Lộc đầu mở rộng mô hình nuôi và xuất bán ra thị trường khoảng 500 con cua biển thương phẩm. Theo anh Lộc, do thị trường cua biển ở Phú Quốc rất lớn vì có rất nhiều nhà hàng lớn, nhỏ cần loại hải sản này nên thương lái vào tận nhà anh thu mua với giá khá tốt nên không phải lo đầu ra.

Hiện, giá cua thương phẩm anh Lộc bán cho lái đến tận nơi thu mua từ 5-6 con/kg với giá 300 ngàn đồng; 4 con/kg giá 400 ngàn đồng; loại 2-3 con/kg giá 500 ngàn đồng. Sau khi trừ đi hao hụt, thức ăn, anh Lộc còn lãi khoảng 50-60%.

Cũng theo anh Lộc, nuôi cua biển khá dễ, chỉ cần tìm hiểu được tập tính sinh sống của cua biển và chịu khó để ý, học hỏi thêm một ít kỹ thuật chăm sóc thì khả năng đạt hiệu quả khá cao.

Anh Lộc bên mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa dưới tán rừng ven biển của mình

Cận cảnh một con cua được nuôi trong hộp nhựa dưới tán rừng ven biển của anh Lộc

“Nếu thành công ngay vụ đầu thì người nuôi có thể lấy vốn ngay. Hộp nhựa dùng nuôi cua mình có thể sử dụng được nhiều năm liền nên tôi nghĩ đây là mô hình có thể nhân rộng hơn ở Phú Quốc hay ở các địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự. Ngoài ra, mô hình nuôi cua này cũng gần gũi với tự nhiên hơn nên sẽ giảm được khá nhiều chi phí điện, vật tư khác so với mô hình nuôi cua trong hộp nhựa trong nhà như trước nay" - anh Lộc nói và cho biết dự tính, sẽ đầu tư thêm 4.000-5.000 hộp nhựa để mở rộng mô hình nuôi cua biển này.

Bên cạnh đó anh Lộc còn ấp ủ cùng các hộ nuôi tại địa phương thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nuôi cua biển để mô hình phát triển bền vững hơn…

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Trưởng ấp Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) cho biết: “Mô hình nuôi cua vèo dưới tán rừng ven biển của Lộc và một số hộ khác tại địa phương là khá mới lạ, bước đầu đạt hiệu quả khá tốt. Qua theo dõi, quan sát mô hình này cũng khá dễ làm và phù hợp với điều kiện của địa phương; bởi vậy, nếu mô hình này được nhân rộng sẽ góp phần cải thiện kinh tế gia đình đáng kể. Đồng thời, góp phần giải vào nguồn cung hải sản nhất định tại Phú Quốc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới