Tọa đàm tập trung làm rõ các nội dung: Có hay không tình trạng quá nhiều giấy phép con trong ngành thực phẩm? Cách nào để loại bỏ những quy định không còn phù hợp thực tiễn, không hợp lý và không có hiệu quả trong quản lý an toàn thực phẩm?
Khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, chồng chéo, trùng lắp trong quản lý thực phẩm bằng cách nào? Làm sao để vừa đảm bảo được quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vừa kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không buông lỏng quản lý Nhà nước?
Kinh nghiệm quản lý thực phẩm ở các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan ra sao?...
Tham dự của đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đại diện một số hiệp hội và DN trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.
Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp đối với đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng giám đốc Vissan cho hay: thời gian gần đây, Phòng quản lý chất lượng của doanh nghiệp này liên tục phải xin ý kiến lãnh đạo công ty về việc thực hiện các thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP).
“Nhiều quy định đã có rồi, nhưng cách hiểu nó thì có sự khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Chúng tôi đi lên đi xuống nhiều lần thì mới đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP”, bà Ninh nói.
Ông Lâm Bá Nhị, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Vissan nói về giấy chứng nhận hợp quy và giấy chứng nhận phù hợp ATTP rằng: “Những giấy phép này là một hàng rào để các doanh nghiệp chứng nhận chất lượng thực phẩm của mình. Nhưng việc triển khai nó thế nào mới là điều quan trọng”.
Ông Nhị cho rằng: cơ quan nhà nước cần phải có cách triển khai, hướng dẫn cụ thể, chi tiết để doanh nghiệp tuân thủ các quy định. “Từ Luật, xuống nghị định, rồi xuống tới thông tư thì cách hiểu chủ quan của mỗi doanh nghiệp, cách nhìn nhận chủ quan của người thực thi quy định, tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp còn có những khoảng cách, bất cập và chưa thống nhất”, ông Nhị nói.
Bà Phạm Thị Huân,Giám đốc công ty TNHH Ba Huân cho hay nhiều giấy tờ, thủ tục đã được doanh nghiệp đáp ứng, đi xin giấy tờ các sở ngành rất nhiệt tình.
Tuy vậy, mỗi lần quy định thay đổi, thì chi phí rất lớn, các quy định thay đổi thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Đưa ra kiến nghị cụ thể, bà Huân nói: “Chúng tôi có sản phẩm thịt gà, tên thương mại đã được công bố rồi. Nhưng khi muốn làm thịt gà đông lạnh thì lại phải kiểm định lại rất mất thời gian, có khi cả tháng. Nếu rút ngắn được thời gian thì tốt cho chúng tôi”, bà Huân nói.
Bà Huân còn so sánh: “Nuôi gà chỉ mất 40 ngày. Nhưng chờ xin giấy mất cả tháng thì gà nó quá lứa rồi. Làm sao để thủ tục đơn giản để doanh nghiệp phát triển ngày càng tốt hơn, bền vững hơn”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng: “Nếu bỏ các giấy phép con này sẽ tác động tốt đến doanh nghiệp”.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi tọa đàm:
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm – Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Giấy phép con cần bỏ trong kinh doanh thực phẩm” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, sáng 25-8. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP.HCM trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bà Phạm Thị Huân – Tổng GĐ Công ty TNHH Ba Huân trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đại diện công ty Vissan trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Trần Ngọc Liêm – Phó GĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký, PGĐ chi nhánh Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Nguyễn Hoàng Dũng – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG GIANG