Hôm nay, 22-8, Chính phủ họp chuyên đề pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một trong 9 nội dung quan trọng là việc rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhằm tìm ra động lực tăng trưởng bền vững.
Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa
Dù thừa nhận những điều kiện kinh doanh cũng đạt được những thành tựu nhất định, nhưng báo cáo của Bộ KH&ĐT gửi Thủ tướng về thực trạng điều kiện kinh doanh cho hay: hệ thống các quy định về ĐKKD còn nhiều điểm bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Cụ thể, các ĐKKD đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động.
Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về ĐKKD.
Mặt khác, các ĐKKD đang làm giảm cạnh tranh thị trường; giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT nhận định: “Nhiều ĐKKD không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát để thể chế, chính sách sát với cuộc sống. Ảnh: VGP
Cụ thể hơn, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể. Chẳng hạn những điều kiện: “rõ ràng”, “phù hợp”, “đủ”, “sạch sẽ”, “thoáng mát”, “có đủ”, “thuận tiện”, “thích hợp”, “có đạo đức tốt’, “đủ sức khỏe”, v.v.
“Những điểm không rõ ràng này chính là cơ sở để một số cán bộ vòi vĩnh doanh nghiệp, gây ra chi phí phi chính thức lớn cho doanh nghiệp”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nói.
Sau khi lược qua những nguyên nhân gây ra tình trạng trên, Bộ KH&ĐT cho rằng: chưa có đổi mới đáng kể về tư duy và phương thức quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Áp dụng tiêu chuẩn, thông lệ OECD
Một cách mạnh mẽ, Bộ KH&ĐT đề nghị bãi bỏ gần 2000 ĐKKD theo các tiêu chí cụ thể. Đồng thời, Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD.
Cụ thể là: thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn (an toàn cháy nổ, an toàn lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, v.v.); đồng thời ban hành các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.
Chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Nhà nước thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Bên cạnh đó,Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm để có thông tin về tuân thủ pháp luật, thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và tự bảo vệ mình.
Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho hay, trong phát biểu khai mạc buổi họp chuyên đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "“Chúng ta phải gỡ ra dần để thể chế pháp luật, chính sách của chúng ta sát hơn nữa với cuộc sống, với tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Hiện nay một miếng thịt vẫn do nhiều cơ quan cùng quản lý. Trong ảnh: Đoàn liên ngành kiểm tra thực tế vệ sinh an toàn thực phẩm tại một chợ. Ảnh minh họa: Tiến Dũng
Đề nghị bãi bỏ gần 2000 ĐKKD Để thực hiện chủ trương cải hiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT kiến nghị: - Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính - Bãi bỏ toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm - Bãi bỏ toàn bộ 1336 điều kiện về năng lực sản xuất - Bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán. - Bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh - Bãi bỏ toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch - Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác. |