Ở nhà thuê từ 15 m2/người mới được thường trú ở nội thành Hà Nội

(PLO)- Người ở thuê, ở nhờ tại nội thành Hà Nội có diện tích nhà ở tối thiểu 15 m2/người, ngoại thành tối thiểu 8 m2/người mới được đăng ký thường trú.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 6-7, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội. Nghị quyết có thời hạn áp dụng trên địa bàn TP đến hết năm 2030.

Căn cứ đưa ra mức diện tích tối thiểu 15 m2

Theo đó, nghị quyết quy định người ở nhà thuê, mượn, ở nhờ phải có diện tích nhà ở tối thiểu từ 15 m2/người trở lên mới được đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội. Ở khu vực ngoại thành thì chỉ cần diện tích tối thiểu từ 8 m2/người.

Trình bày tờ trình về nội dung này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho hay một trong những cơ sở để xây dựng quy định này là Luật Cư trú năm 2020 có giao HĐND các tỉnh, thành quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Theo ông Trung, điều này cũng nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. “Đây cũng là quy định để các tỉnh, TP trực thuộc trung ương có thể điều tiết việc phân bổ dân cư thông qua xác định điều kiện đăng ký thường trú ở địa phương” - ông Trung nói.

Về căn cứ để Hà Nội đưa ra các mức diện tích tối thiểu 15 m2/người đối với khu vực nội thành và 8 m2/người đối với khu vực ngoại thành, ông Trung dẫn điểm b khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú đã quy định HĐND các tỉnh, thành quy định mức diện tích tối thiểu khi ở nhà thuê, mượn, ở nhờ khi đăng ký thường trú là “không được thấp hơn 8 m2 sàn/người”. Cùng với đó, mức diện tích tối thiểu 15 m2 sàn/người tại khu vực nội thành cũng không phải quy định mới, mà kế thừa hai nghị quyết 11/2013 và 21/2016 của HĐND TP Hà Nội.

Người thuê nhà ở có diện tích tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú tại khu vực nội thành Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Người thuê nhà ở có diện tích tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú tại khu vực nội thành Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Mặt khác, chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 cũng xác định đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân của Hà Nội là 29,5 m2/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt 31 m2/người và nông thôn đạt 28 m2/người. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân của Hà Nội là 32 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33 m2/người và nông thôn đạt 28 m2/người.

“Căn cứ tính chất đặc thù của địa bàn thủ đô, UBND TP Hà Nội đã thống nhất cần quy định phân vùng khu vực và phân vùng diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ bảo đảm chiến lược quy hoạch của thủ đô và phù hợp với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” - ông Trung nói.

Cần hạn chế xây cao ốc nội đô

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, bà Hoàng Thúy Hằng, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, cho biết Ban Pháp chế thống nhất với đề xuất của UBND TP về sự cần thiết ban hành nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn.

Bà Hằng cho hay Hà Nội là đô thị đặc biệt, áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều. Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 và niên giám thống kê TP Hà Nội năm 2021 cho thấy mật độ dân số đã phát triển cao hơn dự báo của quy hoạch chung xây dựng thủ đô. Đặc biệt tại khu vực nội đô lịch sử, dự báo đến năm 2030 giảm còn 0,8 triệu người nhưng đến nay đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.

Bà Hằng cũng dẫn số liệu dân số 12 quận nội thành của Hà Nội đã tăng khoảng 20% trong thời gian qua. Mật độ dân số tại khu vực trung tâm đạt 9.570 người/km2, vượt gấp đôi so với dự báo của quy hoạch chung. “Việc gia tăng dân số tại các quận nội thành, nhất là các quận ở nội đô mở rộng như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân đang tạo ra nhiều sức ép, quá tải đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống…” - bà Hằng nói.

Đại diện Ban Pháp chế cũng cho hay quy định này là một trong những giải pháp hạn chế phát triển nhà cao tầng và gia tăng dân số khu đô thị trung tâm, đồng thời thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình TP trực thuộc thủ đô. Tuy nhiên, bà Hằng cũng lưu ý quy định này chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần áp dụng đồng bộ các giải pháp khác để giảm tải áp lực dân số cho khu vực nội thành.

“Thời gian tới, TP cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp sử dụng công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm gắn với tái thiết đô thị để bảo đảm các điều kiện về an sinh xã hội, giáo dục, y tế… của người dân” - bà Hằng nói.•

Quy định diện tích tối thiểu để bảo đảm điều kiện sống cần thiết của người dân

Quy mô dân số Hà Nội tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng như vậy đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp của TP trong công tác lãnh đạo, điều hành. Làm sao để bảo đảm các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện khác của người dân cư trú trên địa bàn TP, nhất là tại khu vực nội thành.

Vì vậy, quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để TP xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết của người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Bà HOÀNG THÚY HẰNG, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm