Quy định về triệu hồi sản phẩm
Bộ GTVT vừa ban hành văn bản hợp nhất (số 26/VBHN-BGTVT ngày 24-6), hợp nhất các Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới (trong đó bao gồm: Thông tư số 30/2011, Thông tư số 54/2014 và Thông tư số 26/2020).
Nội dung đáng chú ý của văn bản hợp nhất, tại điểm a Khoản 5 Điều 11 quy định cơ sở sản xuất không thực hiện triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật để khắc phục sẽ bị thu hồi và chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm.
Bộ GTVT vừa ban hành văn bản hợp nhất các Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới. Ảnh: TN |
Văn bản cũng quy định các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe ô tô phải triệu hồi sản phẩm trong các trường hợp: sản phẩm vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó; Sản phẩm gây ra nguy hiểm về sinh mạng và tài sản do các lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo; Sản phẩm dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định.
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ căn cứ theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các thông tin, kết quả điều tra để xem xét và đưa ra quyết định buộc thực hiện triệu hồi sản phẩm.
Nội dung văn bản cũng nêu rõ, khi phát hiện lỗi kỹ thuật của xe đã bán ra thị trường, cơ sở sản xuất cần thực hiện các công việc: tạm dừng xuất xưởng sản phẩm của kiểu loại bị lỗi; thông báo tới các đại lý bán hàng yêu cầu tạm dừng; trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hiện lỗi phải thông báo bằng văn bản đến Cục Đăng kiểm Việt Nam về nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật, biện pháp khắc phục, số lượng sản phẩm phải triệu hồi và kế hoạch triệu hồi cụ thể.
“Sau thời gian không quá 30 ngày kể từ khi hoàn tất việc triệu hồi, cơ sở sản xuất phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc triệu hồi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cơ sở sản xuất phải chịu mọi phí tổn liên quan đến việc triệu hồi sản phẩm kể cả chi phí vận chuyển”- văn bản cũng nêu rõ.
Hàng loạt đợt triệu hồi mỗi năm
Theo thông báo trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay đã có 5 đợt triệu hồi ô tô, xe máy tại Việt Nam. So với năm trước, số lượng triệu hồi trong năm cùng đã ít hơn nhiều.
33 xe Audi A8 bị triệu hồi. |
Cụ thể, mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phê duyệt chương trình triệu hồi để kiểm tra và thay thế lưới lọc dầu trên 33 xe Audi A8. Theo thông tin từ phía Audi, trong quá trình sử dụng xe, cặn có thể tích trữ từ dầu động cơ. Điều này có thể làm tắc nghẽn trên lưới lọc dầu, dẫn đến không đủ dầu cấp đến bộ tăng áp.
Nguyên nhân được xác định là lưới lọc dầu trong bộ phận cấp dầu cho bộ tăng áp có thể bị tắc nghẽn do cặn. Điều này ảnh hưởng xấu đến khả năng bôi trơn cho cơ cấu hoạt động của bộ tăng áp, dẫn đến giảm công suất hoặc thậm chí động cơ ngừng hoạt động. Để khắc phục lỗi trên thì lưới lọc dầu trong bộ phận cấp dầu cho bộ tăng áp phải được thay thế bằng cái mới có kích thước lớn hơn trên những xe bị ảnh hưởng.
Trước đó, chương trình triệu hồi Mercedes-Benz cũng được thực hiện nhằm kiểm tra bộ trợ lực phanh và thay thế bộ trợ lực phanh cho một số xe Mercedes-Benz GL450 4MATIC & ML350/500 4MATIC (số loại 164) và R280/300 & R350/500 4MATIC (số loại 251). Những chiếc xe này do công ty MBV nhập khẩu và phân phối theo chương trình triệu hồi của MercedesBenz AG có số hiệu là 4290005.
Các đợt triệu hồi trong năm 2022. (Ảnh cắt từ website của Cục Đăng kiểm Việt Nam) |
Những xe bị ảnh hưởng có thời gian sản xuất từ tháng 5-2008 đến tháng 11-2011. Số lượng triệu hồi 76 chiếc. Địa điểm thực hiện tại tất cả các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Công ty TNHH Mercedes - Benz Việt Nam trên toàn quốc. Thời gian sửa chữa dự kiến là 3 giờ/xe. Thời gian bắt đầu thực hiện từ 30-6-2022 đến 31-12-2027.