Đó là quan điểm của một số chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm do Tạp chí điện tử BizLIVE tổ chức sáng 13-9.
Đừng coi trái phiếu là trò chơi đánh bạc
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết mặc dù doanh nghiệp (DN) đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn còn gặp nhiều gian nan. Ngoài khó khăn hậu đại dịch, DN đang rất cần tiếp sức nguồn vốn nhưng hiện các van của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc.
“Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng”- ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, hiện nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng còn hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển. Do vậy, thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu…
"Tại Việt Nam, nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam"- ông Lộc nói.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, ngoài kênh tín dụng, thì huy động vốn từ cổ phiếu IPO, một số hình thức đầu tư như FDI, quỹ thì huy động vốn từ trái phiếu thực sự là kênh quan trọng với DN không chỉ trong bất động sản.
“Thế nhưng, hiện nay có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trong khi đó, trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường” -TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nói.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng quá nóng đã dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm. |
Cần có thể chế chịu trách nhiệm đối với thị trường vốn
Đánh giá về thị trường trái phiếu Việt Nam, TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Khi dòng vốn ngắn hạn thì giao cho ngành ngân hàng, còn đối với dòng vốn dài hạn thì phải dựa vào thị trường trái phiếu. Vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa? Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng.
"Tôi cho rằng, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng”- TS Phước nói.
Nhìn nhận về vấn đề quản lý, giám sát thị trường vốn, TS. Võ Trí Thành cho biết thêm: “Thời gian qua đúng là có nhiều điều chúng ta chưa hài lòng về thị trường trái phiếu, trong đó có vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có thể xem xét lại vai trò và trách nhiệm của ủy ban giám sát chứ không cần thiết phải lập lại thị trường”.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe DN, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.
"Hiện tại tôi cho rằng chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Vì vậy, cách làm như vậy có vấn đề"- ông Nghĩa nói.