Sau cái bắt tay lịch sử và cuộc hội đàm khôn tiền khoáng hậu giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro tại Panama ngày 14-4 (giờ địa phương), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã đề nghị Quốc hội đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Năm 1982, Mỹ đã áp đặt Cuba vào danh sách đen bảo trợ khủng bố vì Cuba ủng hộ tổ chức ly khai xứ Basque ở Tây Ban Nha và tổ chức Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) ở Colombia.
Cùng ngày 14-4, Vụ trưởng Các vấn đề về Mỹ (Bộ Ngoại giao Cuba) Josefina Vidal đã tuyên bố trên truyền hình: “Chính phủ Cuba nhìn nhận tổng thống Mỹ đã quyết định đúng đắn khi loại Cuba khỏi một danh sách mà Cuba không bao giờ như vậy”.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Như chính phủ Cuba đã nhiều lần lặp lại, Cuba bác bỏ và lên án mọi hành vi khủng bố dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện, cũng như mọi hành động nhằm cổ vũ, ủng hộ, cung cấp tài chính hay che giấu hoạt động khủng bố”.
Quan hệ Mỹ-Cuba dần dần tan băng. Biếm họa của DARIO CASTILLEJOS (Mexico).
Cuba đã yêu cầu Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách đen ủng hộ khủng bố như điều kiện tiên quyết trong quá trình bình thường hóa quan hệ.
Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để bày tỏ ý kiến. Nếu Quốc hội phản đối đưa Cuba ra khỏi danh sách đen bảo trợ khủng bố, Tổng thống Obama có thể sử dụng quyền phủ quyết.
Ngoại trưởng John Kerry nhận định: “Tình hình đã thay đổi từ năm 1982… Bán cầu Mỹ và thế giới hôm nay rất khác với 33 năm trước”.
Nghị sĩ Dick Durbin, nhân vật thứ hai của đảng Dân chủ ở Thượng viện, phát biểu áp dụng chính sách mở cửa đối với Cuba là cách thức hiệu quả nhất để Cuba trở nên công khai hơn.
Trong đảng Cộng hòa, nghị sĩ Marco Rubio (mới thông báo ra ứng cử tổng thống) tuyên bố quyết định của Tổng thống Obama thật “kinh khủng”. Ông lên án “Cuba dung túng những kẻ trốn tránh luật pháp Mỹ”.
Nghị sĩ Ed Ryce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã chỉ trích Nhà Trắng không tham vấn Quốc hội trước.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, ngày 14-4, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama ủng hộ dự luật Corker-Menendez do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker soạn thảo.
Dự luật cho phép Quốc hội bày tỏ quan điểm liên quan đến thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran (phải đạt được trước ngày 30-6).
Ban đầu dự luật đề nghị trao cho Quốc hội thời gian 60 ngày xem xét các điều khoản trong thỏa thuận và trong thời gian này, tổng thống không được quyền giảm nhẹ cấm vận đối với Iran.
Tổng thống Obama không đồng ý và dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết.
Ngày 14-4, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã nhượng bộ và sửa lại dự luật với quy định giảm chỉ còn 30 ngày.
Sắp tới, dự luật Corker-Menendez sẽ được đưa ra phiên họp toàn thể Thượng viện. Nếu dự luật đạt được ngưỡng 67 phiếu thuận thì tổng thống không thể sử dụng quyền phủ quyết.
Sau khi nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận khung về hạt nhân Iran tại Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 2-4, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Obama nhượng bộ Iran quá nhiều. Họ muốn Iran phải phá dỡ hoàn toàn cơ sở hạt nhân.
Một số nghị sĩ đảng Dân chủ cũng muốn Quốc hội có vai trò.
Ban đầu Tổng thống Obama e ngại Quốc hội can thiệp sẽ cản trở nỗ lực ngoại giao với Iran. Nhưng do Quốc hội xuống nước nên cuối cùng ông cũng chiều lòng ủng hộ dự luật.
21-4 là ngày nối lại đàm phán để soạn thảo thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran theo thông báo của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ông xác định khuôn khổ đàm phán: Iran duy trì định hướng đàm phán nếu nhóm P5+1 cũng làm như thế. |