Bộ phim tài liệu Phỏng vấn Putin dài bốn tiếng được chia làm bốn phần, bắt đầu phát mỗi ngày một phần từ ngày 12-6 trên kênh truyền hình Mỹ Showtime. Đài truyền hình Pháp France 3 sẽ phát bộ phim vào cuối tháng 6. Theo báo RBTH (Nga), đạo diễn Oliver Stone (71 tuổi, ba lần đoạt giải Oscar) đã thực hiện 12 cuộc phỏng vấn đối với Tổng thống Vladimir Putin tại nhiều địa điểm từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2017.
Phần 1: Liên Xô tan rã
Phần 1 của phim tài liệu nói về thời thanh niên của Tổng thống Putin ở Liên Xô thời hậu chiến, tâm trạng của ông khi kế nhiệm Tổng thống Boris Yeltsin và nguyên nhân vì sao quan hệ Nga-Mỹ lạnh lẽo.
Putin khẳng định lớp võ judo đã thay đổi cuộc đời ông tốt hơn và đã dạy cho ông một quy luật vàng: Biết tỏ ra mềm dẻo và chấp nhận nhượng bộ để đi đến chiến thắng.
Ông thừa nhận chế độ Xô Viết hoạt động rất kém và cải cách là điều cần thiết, tuy nhiên sai lầm trong cải cách đã để lại di chứng nặng nề. Lúc bấy giờ, đất nước Nga suýt rơi vào nội chiến.
Năm 1999, Tổng thống Yeltsin chọn Putin giữ chức thủ tướng. Lúc đó ông đã nghĩ đến chuyện đưa các con đi ẩn náu nếu ông gặp hiểm nguy. Ông nói ông rất tôn trọng Yeltsin vì điểm mạnh của Yeltsin là không bao giờ chối bỏ trách nhiệm.
Trong lần Tổng thống Bill Clinton thăm Nga lúc ông mới giữ chức tổng thống, Putin vừa cười vừa nói có lẽ Nga phải gia nhập NATO. Ông nhớ lại: “Bill Clinton trả lời ông ấy không phản đối nhưng phái đoàn Mỹ đều tỏ ra căng thẳng”. Ông khẳng định Mỹ đã áp đặt ý chí với NATO, bởi thế Nga khó có quan điểm độc lập nếu gia nhập NATO.
Putin nhắc lại bất đồng giữa Nga và phương Tây xuất phát từ thái độ không thúc đẩy đối thoại với Nga của Mỹ, Mỹ luôn xem mình là cường quốc số một, từ đó thực hiện chính sách đối ngoại gây hấn. Ví dụ: Putin đã trao cho Tổng thống George W. Bush bằng chứng một số giới chức Mỹ hậu thuẫn cho các phần tử ly khai Chechnya.
Đạo diễn Oliver Stone trò chuyện cùng Tổng thống Putin. Ảnh: SHOWTIME
Phần 2: Chiến tranh thế giới thứ ba
Tổng thống Putin nhắc lại Nga đã từng đề nghị Mỹ và châu Âu thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung nhưng đều bị từ chối. Do đó để bảo vệ cân bằng chiến lược, Nga buộc phải phát triển hệ thống riêng. Ông ghi nhận Nga đang bị các hệ thống vũ khí phương Tây bao vây, vì thế Nga phải tăng cường sức mạnh quân sự, từ đó dẫn đến chạy đua vũ trang. Ông nhấn mạnh: “Đó là sai lầm lớn”.
Đạo diễn Oliver Stone hỏi nếu chiến tranh xảy ra, Mỹ có thắng hay không, Putin đã khẳng định rằng “không”. Lý do vì lúc đó sẽ không còn ai sống sót, các lá chắn hạt nhân chỉ tạo ảo tưởng bảo vệ mà thôi. Ông cho rằng lối thoát duy nhất trong bối cảnh căng thẳng là tiếp tục đàm phán dù có phức tạp.
Liên quan đến cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden (tị nạn ở Nga từ năm 2013), ông khẳng định Snowden không giao bất kỳ tài liệu mật nào của Mỹ cho Nga. Ông xác nhận Mỹ có đề nghị dẫn độ Snowden nhưng Nga từ chối. Nga đã từng đề nghị Mỹ ký hiệp định dẫn độ tội phạm nhưng Mỹ không đồng ý và Nga không cho dẫn độ vì Snowden không vi phạm pháp luật Nga.
Putin đánh giá quả đúng khi đạo diễn Oliver Stone cho rằng Nga còn khá bảo thủ nhưng ít bảo thủ hơn các nước Hồi giáo. Ông giải thích tại Nga, quyền của người đồng giới vẫn được tôn trọng, tự do ngôn luận không gặp trở ngại gì. Về dân chủ, Nga khác với phương Tây bởi trong quá khứ Nga theo chế độ quân chủ rồi chủ nghĩa xã hội. Ông giải thích: “Dĩ nhiên không thể tưởng tượng từ ngày mai sẽ thiết lập một chế độ như ở Mỹ, Đức hay Pháp. Xã hội phải phát triển dần từng giai đoạn”.
Phần 3: Các cuộc xung đột
Trong phần 3 bộ phim tài liệu, Tổng thống Putin đã đề cập đến các cuộc xung đột liên quan đến Nga. Ông nhận xét do tham nhũng và bất bình đẳng sau khi Ukraine độc lập còn kinh hoàng hơn Nga trong thập niên 1990, do đó người dân Ukraine mong mỏi Ukraine trở thành một bộ phận của EU. Thế nhưng Nga đánh giá ý định đưa Ukraine gia nhập EU không đúng đắn bởi sẽ mở toang thị trường Nga cho hàng hóa châu Âu và Nga sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Sau khi thảo luận với Tổng thống Putin, Tổng thống Viktor Yanukovych mới hoãn ký hiệp định gia nhập EU. Sau đó phong trào biểu tình (Maidan) bùng nổ với hậu thuẫn của phương Tây.
Ông khẳng định tình hình Ukraine năm 2014 là đảo chính quân sự với sự tham gia của các lực lượng cánh hữu cực đoan. Sau đó bộ máy cầm quyền mới ở Ukraine đã sai lầm khi gây sức ép với người Ukraine nói tiếng Nga ở miền Đông, từ đó đưa đất nước vào hỗn loạn và nội chiến. Bên cạnh đó, phương Tây có phần lỗi vì đã giữ quan điểm một chiều.
Đạo diễn Oliver Stone hỏi: “Tổng thống có đánh giá đã phạm sai lầm khi Nga sáp nhập Crimea (cộng hòa tự trị thuộc Ukraine) năm 2014 hay không?”. Putin cười, trả lời Nga không sáp nhập Crimea mà nghị viện dân cử Crimea lúc đó quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về sáp nhập Crimea vào Nga.
Giải thích chuyện các binh sĩ Nga mặc quân phục không có phiên hiệu hiện diện ở Crimea ngay trước trưng cầu ý dân, ông nói nhiệm vụ duy nhất của họ là bảo đảm an ninh cho người dân Ukraine để tránh bọn dân tộc chủ nghĩa đe dọa. Ông lạc quan đánh giá quan hệ Nga-Ukraine sớm muộn cũng sẽ được cải thiện vì “nhân dân Ukraine và Nga gần như là một gia đình”.
Putin nhấn mạnh mục tiêu số một khi Nga can thiệp vào Syria là ngăn chặn lặp lại kịch bản như ở Iraq và Libya (lật đổ chế độ toàn trị rồi đất nước sa lầy vào hỗn loạn). Mục tiêu thực tế khác là ngăn chặn hàng ngàn công dân Nga và Liên Xô cũ ở Trung Á cầm súng trong hàng ngũ IS quay trở về Nga.
Ông nhận xét Nga là nước duy nhất hiện diện hợp pháp ở Syria theo lời mời của chính quyền hợp pháp ở Syria. Song song theo đó ông cũng thừa nhận: “Chúng tôi nhận thấy chính quyền Syria đã phạm một số sai lầm trong thiết lập quan hệ trong nội bộ Syria”. Ông cho biết ở Syria, Nga vẫn hợp tác tốt với Mỹ và các nước trong khu vực trong đấu tranh chống khủng bố.
Phần 4: Mỹ can thiệp vào bầu cử Nga
Tổng thống Putin khẳng định Mỹ đã nhiều lần tìm cách can thiệp vào bầu cử ở Nga với ý đồ can thiệp “đặc biệt khiêu khích”, nhất là trong mùa bầu cử tổng thống Nga năm 2012. Ông nói: “Mỹ đã làm nhiều lần. Năm 2000 đã làm rồi, đến năm 2012 thì cách thức mang tính chất khiêu khích nhiều hơn. Tôi không đi vào chi tiết vấn đề này”.
Ông đưa ra một ví dụ là các nhà ngoại giao Mỹ đã hoạt động tích cực để hậu thuẫn cho phe đối lập trong chiến dịch tranh cử ở Nga. Ông nói: “Họ đã tập hợp các lực lượng đối lập ở Nga, chi tiền cho các lực lượng này và đến dự các cuộc mít-tinh”.
Putin cho biết ông đã đề cập đến vấn đề này với chính quyền Mỹ, nhất là với Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry. Mỹ còn sử dụng một công cụ khác để tác động đến dư luận Nga là các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức này thường xuyên nhận được tiền bạc từ một số bộ phận trong guồng máy chính quyền Mỹ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao Mỹ.
Putin cho biết Mỹ cũng đã can thiệp về chính trị vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và sử dụng chiêu bài các tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới. Ông cũng bác bỏ ám chỉ của Mỹ rằng Nga tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 bằng cách dùng tin tặc đánh cắp thông tin. Ông khẳng định Nga không tiến hành bất cứ vụ tấn công mạng nào vào cơ sở hạ tầng bất kỳ nước thứ ba nào.
Theo Putin, quan hệ Nga-Mỹ được khai thác “như một công cụ trong đấu tranh chính trị trong nội bộ Mỹ”.
Sau khi đài truyền hình Showtime phát phần đầu bộ phim tài liệu Phỏng vấn Putin, một số báo ở Mỹ đã vội vàng chỉ trích đạo diễn Oliver Stone đã ca tụng và dành thiện cảm quá đáng cho Tổng thống Putin. Oliver Stone giải thích bộ phim tài liệu của ông chỉ nhằm giúp người xem ở các nước phương Tây có quan điểm khác về Nga và đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Nga-Mỹ. Oliver Stone từng tham chiến ở Việt Nam và đã làm ba bộ phim về chiến tranh Việt Nam: Trung đội, Sinh ngày 4-7, Trời và đất. Ông không che giấu sức lôi cuốn của Tổng thống Putin đối với ông. Ông minh định: “Vladimir Putin biết tôi sẽ trao ông cho khán giả chính trực… Tôi nghĩ rằng các bạn nên xem phim vì chính các bạn. Các bạn phải nghe và chính các bạn tự suy xét”. |