VKSND huyện Lạc Dương, Lâm Đồng vừa có cáo trạng truy tố LKL về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vụ án gây chú ý không hẳn ở chỗ L từng là cán bộ của VKS huyện này mà vì tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” mà VKS quy buộc L hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo cáo trạng, từ năm 2007 đến 2010, LKL (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam 66 triệu đồng diện vay vốn theo chương trình học sinh, sinh viên và hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Hạn trả là từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2012. Ngoài ra, từ tháng 3-2011 đến tháng 9-2011, khi còn làm chuyên viên tại VKSND huyện Lạc Dương, L đã vay của đồng nghiệp là bà Hồ Thị Phượng (kế toán) 120 triệu đồng và hai chỉ vàng. Hạn trả nợ là ngày cuối tháng 5-2012.
Đầu năm 2012, L được VKSND tỉnh Lâm Đồng cho thôi việc. Nhà của L đã thế chấp cho một khoản vay khác nên L và vợ con ra ở trọ tại TP Đà Lạt và làm việc tại một công ty vệ sĩ. Lúc này bà Phượng và ngân hàng đã gọi số điện thoại cũ của L , rồi tìm đến công ty để đòi nợ nhưng L không có tiền trả. Tháng 7-2012, L bị công ty cho nghỉ việc.
Tháng 3-2013, L đến Bình Dương, sau đó đến TP.HCM sống và làm việc rồi đổi số điện thoại nhưng không báo cho những chủ nợ nói trên. Đến tháng 11-2015, biết bà Phượng tố cáo, L đã chủ động liên lạc với bà Phượng nhằm mục đích trả một phần nợ và xin bà Phượng rút đơn tố cáo. Lúc này vợ L đem trả cho bà Phượng 10 triệu đồng và hai chỉ vàng.
Ngày 12-1-2016, L bị CQĐT Công an huyện Lạc Dương khởi tố và bị bắt tạm giam nửa năm rồi được cho tại ngoại.
Cáo trạng cho rằng đến thời hạn trả nợ, bị can L mất khả năng thanh toán nên đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, giấu địa chỉ liên lạc, thay đổi số điện thoại để bà Phượng và ngân hàng không tìm gặp được nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền trên. Hành vi của L được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nên đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 140 BLHS.
Lập luận của VKS là vậy nhưng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 BLHS vốn gây nhiều tranh cãi. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về tình tiết này.
Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:
Suy luận bị can bỏ trốn coi chừng làm oan
Về việc vay mượn tiền, nếu hết thời hạn mà anh L không trả được nợ thì ngân hàng và bà Phượng phải khởi kiện ra tòa để xác định rõ số nợ. Trường hợp đương sự không cung cấp được địa chỉ của bị đơn (anh L) thì tòa sẽ trả đơn khởi kiện.
Nếu nguyên đơn (ngân hàng, bà Phượng) đã làm hết cách mà vẫn không biết L đang ở đâu thì lúc đó mới nhờ tới công an. Việc đầu tiên là công an phải đi xác minh xem L đang ở đâu, nếu vẫn không tìm ra thì công an sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Từ đó công an phát đi lệnh truy nã thì mới có căn cứ để xác định có bỏ trốn hay không.
Việc cho rằng người vay đi khỏi nơi cư trú, tắt số điện thoại rồi cho đó là bỏ trốn thì hoàn toàn sai lầm, dễ dẫn đến oan sai. Có người viện dẫn: “Nếu không bỏ trốn, mắc gì phải rời khỏi địa phương đi nơi khác?”. Theo tôi, đây là quyền của họ, không thể nói rời khỏi nơi cư trú là bỏ trốn được. Còn nếu nói tại sao anh không đăng ký tạm trú thì đó cũng chẳng qua là vi phạm nghĩa vụ hành chính. Không phải vì anh vi phạm hành chính mà khởi tố hình sự được. Thậm chí vì bị đòi nợ quá, người ta hoảng nên cố tình lẩn tránh một thời gian để đi làm ăn nhưng ý thức của họ không phải nhằm chiếm đoạt tài sản thì cũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Vì vậy, với những thông tin mà báo nêu thì việc khởi tố, truy tố L là chưa ổn.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa:
Phải chứng minh bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản
Cáo trạng kết luận đến thời hạn trả nợ, do mất khả năng thanh toán nên L đã bỏ đi khỏi nơi cư trú nhằm chiếm đoạt số tiền trên. Tuy nhiên, việc chứng minh dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt” không phải đơn giản. Vì theo quy định tại Điều 3, Điều 9 Luật Cư trú thì công dân có quyền tự do lựa chọn nơi cư trú và công dân không có nghĩa vụ phải khai báo tạm vắng. Do đó việc họ vắng mặt tại địa phương là quyền của họ, đó không hẳn là bỏ trốn (vì luật không quy định).
Trong vụ này, nếu L mất khả năng thanh toán và có lý do khách quan trước thời điểm bị can đi làm ăn, cư trú nơi khác, có các bằng chứng xác thực chứng minh rằng L vẫn liên hệ cam kết trả nợ với những chủ nợ thì không thể xử lý hình sự được.
Theo tôi, chỉ có thể xử lý hình sự về tội này khi nào chứng minh đủ hai yếu tố “bỏ trốn” và “có mục đích chiếm đoạt”. Nếu người vay bỏ trốn với mục đích khác như để tránh sự đe dọa của chủ nợ, để đến nơi khác làm ăn lấy tiền trả nợ hoặc để kéo dài thời hạn trả nợ thì dù có dấu hiệu bỏ trốn nhưng không chứng minh được yếu tố chiếm đoạt tài sản thì cũng không thể xử lý hình sự về tội lạm dụng theo Điều 140 BLHS.
Trần tình của bị can LKL Tôi vay tiền dùng để học hành, sản xuất kinh doanh và đầu tư chăn nuôi... Vì dịch bệnh nên việc chăn nuôi của tôi bị thua lỗ dẫn đến việc tôi dần mất khả năng trả nợ. Đầu tháng 2-2012, vì sức ép và đe dọa của một số chủ nợ nên tôi đành phải nghỉ việc tại VKSND huyện Lạc Dương. Căn nhà của vợ chồng tôi ở xã Lát, huyện Lạc Dương là tài sản duy nhất đã thế chấp cho một quỹ tín dụng và đã bị thanh lý để thu hồi nợ. Công việc không có, cộng với sức ép trả nợ, tôi buộc lòng phải đưa vợ và ba đứa con nhỏ đến nơi khác làm ăn kiếm tiền trả nợ. Khi chuyển đến sống tại Đà Lạt, Bình Dương và TP.HCM, vợ chồng tôi đều xuất trình CMND để chủ nhà trọ đăng ký tạm trú và đi làm đều có ký hợp đồng lao động. Việc không thông báo, liên lạc với các chủ nợ vì lý do chưa có điều kiện để trả nợ chứ hoàn toàn không có ý định bỏ trốn để chiếm đoạt. ______________________________ Không khai tạm vắng không phải bỏ trốn Tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn cặn kẽ. Ngoài ra, Luật Cư trú năm 2006 chỉ áp dụng việc khai báo tạm vắng với bị can, bị cáo đang tại ngoại, người bị kết án phạt tù nhưng chưa thi hành án… Luật không còn áp dụng thủ tục khai báo tạm vắng với công dân rời khỏi nơi thường trú đến cư trú tại địa phương khác. Vì vậy, những vụ án dùng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó” có thể là hình sự hóa quan hệ dân sự và dễ dẫn đến oan sai trong vụ án. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM |