Mới đây, bà Nguyễn Thị Loan đã nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ Trần Văn Nhẫn (SN 1973) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà. Lý do là tòa phúc thẩm đã hạ khung hình phạt, giảm án một nửa cho bị cáo vì xác định thiệt hại theo lời khai của bị cáo mà không căn cứ vào kết luận giám định.
Bán cả heo lẫn xe
Theo hồ sơ, bà Loan và Nhẫn cùng ngụ xã La Ngà (Định Quán, Đồng Nai), hợp tác mua bán heo chung từ tháng 2-2012. Cả hai thu mua heo trên địa bàn huyện Định Quán với phương thức bà Loan bỏ vốn ra trước để mua heo, sau đó Nhẫn chở về tập trung tại trại heo của bà Loan. Khi đủ một chuyến xe, bà Loan sẽ giao xe cho Nhẫn chở heo đến tỉnh Đắk Lắk bán cho các thương lái. Tiền bán heo hai bên thống nhất là cứ một, hai ngày, Nhẫn mang về giao cho bà Loan. Sau khi trừ hết chi phí, số tiền lãi còn lại sẽ chia đều cho hai bên.
Ngày 3-11-2013, cũng theo phương thức này, bà Loan giao xe cho Nhẫn cùng 10 triệu đồng để đổ xăng, ăn uống trên đường, chở 71 con heo (tổng trọng lượng hơn 5,7 tấn) đi Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau đó Nhẫn lại cùng vợ và tài xế tên Nghĩa (cũng là người đứng tên trên giấy tờ xe) chở đàn heo lên Gia Lai bán cho bà Đào Thị Kim Thu ở TP Pleiku với giá 190 triệu đồng. Nhẫn bán luôn cho bà Thu chiếc xe với giá 560 triệu đồng. Tổng cộng, Nhẫn nhận được 750 triệu đồng.
Cáo trạng của VKS xác định do làm ăn thua lỗ, thiếu nợ không có khả năng chi trả, Nhẫn nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bán heo của bà Loan. Ngày 6-11-2013, không thấy Nhẫn đem tiền về, bà Loan gọi điện thoại thì Nhẫn nói dối, lẩn tránh, không quay lại Định Quán trả tiền. Như vậy, Nhẫn đã chiếm đoạt số tiền bán 71 con heo của bà Loan, theo kết quả định giá là hơn 275 triệu đồng. Từ đó VKS truy tố Nhẫn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 140 BLHS (mức án từ bảy năm tù đến 15 năm tù).
Còn việc Nhẫn chiếm đoạt chiếc xe tải theo tố cáo của bà Loan, các cơ quan tố tụng thống nhất là không có cơ sở xử lý trong vụ án hình sự này vì các bên có hùn hạp mua xe nên tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự khi có người khởi kiện.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Định Quán đã phạt Nhẫn tám năm tù. Sau đó, Nhẫn kháng cáo xin giảm án, còn bà Loan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm...
Bà Loan, người đang khiếu nại giám đốc thẩm bản án của TAND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: H.YẾN
Bị cáo khai bán bao nhiêu, tòa chấp nhận bấy nhiêu
Tại phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai sau đó, Nhẫn khai “bị cáo bán 71 con heo được 190 triệu đồng mang đi trả nợ, không giao lại tiền cho bà Loan”. Luật sư của Nhẫn đề nghị HĐXX chấp nhận giá trị thiệt hại trong vụ án theo lời khai này và chuyển khung hình phạt cho Nhẫn từ khoản 3 xuống khoản 2 (mức án từ hai năm tù đến bảy năm tù). Theo luật sư, kết luận giám định thiệt hại không chính xác do số lượng heo các bên khai không thống nhất, có heo bị bệnh và chết trên đường vận chuyển...
Trong khi đó, đại diện VKS không đồng tình, nhận định kết luận giám định thiệt hại hơn 275 triệu đồng là chính xác và đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm.
Theo HĐXX, cấp sơ thẩm xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt là hơn 275 triệu đồng theo kết quả của hội đồng giám định trong tố tụng hình sự huyện Định Quán ngày 5-4-2014. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy “hai bên thỏa thuận sau khi bán heo, trừ chi phí, tiền lãi chia đôi. Việc mua bán có lúc lời, lỗ và việc heo được thu mua chở đi từ huyện Định Quán mang bán tại Đắk Lắk nhưng việc định giá theo giá được thực hiện tại Định Quán là chưa được khách quan, toàn diện”. Mặt khác, không có cơ sở kết luận vợ chồng bị cáo cố ý bán heo với giá rẻ. Từ đó, HĐXX kết luận số tiền Nhẫn chiếm đoạt là 190 triệu đồng nên bị cáo chỉ phạm tội theo khoản 2 Điều 140 BLHS và giảm án cho Nhẫn từ tám năm tù xuống còn bốn năm tù.
Không đảm bảo sự khách quan
Trong đơn khiếu nại giám đốc thẩm, bà Loan cho rằng tòa phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo chứ không căn cứ vào kết quả giám định của hội đồng định giá tài sản là không đúng pháp luật. “Giả sử đàn heo của tôi là 71 con heo với tổng trọng lượng là 5.738 kg, bị cáo khai bán được có 49 triệu đồng thì tòa cũng chấp nhận và xử bị cáo theo khoản 1 Điều 140 BLHS hay sao?” - bà Loan bức xúc. Chưa kể, theo bà, bản án phúc thẩm còn mắc một sai lầm rất nặng là chỉ tuyên hình phạt mà không tuyên buộc bị cáo phải trả lại tiền chiếm đoạt cho bà.
Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia TP.HCM) nhận xét kết luận giám định về thiệt hại trong nhóm tội xâm phạm sở hữu là căn cứ để tòa định tội, định khung hình phạt đối với bị cáo. Việc tòa phủ nhận kết luận giám định, xác định thiệt hại theo lời khai của bị cáo là không đảm bảo sự khách quan. Hơn nữa, việc tòa chấp nhận “định giá thực tế” theo lời khai của bị cáo (bán được bao nhiêu tiền thì chấp nhận bấy nhiêu) là sai bởi giá này rất vô chừng do việc mua bán có thể bị ảnh hưởng các yếu tố như kẹt tiền, tình cảm...
Theo một thẩm phán chuyên xử án hình sự, trong thực tiễn xét xử, nếu không đồng ý với kết luận giám định thì các tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để cấp sơ thẩm trưng cầu giám định lại nhằm đảm bảo sự khách quan. “Việc HĐXX phủ nhận kết luận giám định rồi tự xác định thiệt hại luôn là làm thay việc của cơ quan, tổ chức giám định” - vị thẩm phán này khẳng định.
Theo khoản 2 Điều 64 BLTTHS, kết luận giám định là một trong bốn nguồn chứng cứ để cơ quan tố tụng giải quyết vụ án (bên cạnh ba nguồn chứng cứ khác là vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác). Theo khoản 2 Điều 73 BLTTHS, trong trường hợp cơ quan tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung. Theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS, khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định... |