Tòa Kinh tế TAND TP Đà Nẵng đang giải quyết một vụ tranh chấp tài sản mà việc thẩm định giá bị bế tắc chỉ vì hai bên đương sự đều không chấp nhận công ty giám định mà bên kia đề xuất.
Không ai chịu theo ý ai
Theo hồ sơ, cuối năm 2015, ông TVA khởi kiện yêu cầu Tòa Kinh tế TAND TP Đà Nẵng phân chia tài sản chung của vợ chồng ông là một căn nhà trên đường Nguyễn Tất Thành, đồng thời yêu cầu tòa giao cho Công ty B thẩm định giá nhà, đất.
Sau đó, tòa ra thông báo cho các đương sự biết về việc lựa chọn công ty giám định này (theo quy định, trong vòng 15 ngày nếu các bên không có ý kiến gì thì tòa sẽ để Công ty B thẩm định giá). Tuy nhiên, vợ ông A. không đồng ý, yêu cầu tòa giao cho Công ty C thẩm định. Đến đây, đến lượt ông A. không chấp nhận Công ty C mà yêu cầu tòa giao cho... Công ty D thẩm định. Cứ thế, vợ chồng ông A. không ai chịu theo ý ai khiến vụ án chưa có lối ra.
Trong một vụ án khác, TAND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng rất mệt mỏi vì đương sự yêu cầu giám định lại trong khi tài sản đã bị cháy rụi.
Trước đó, Công ty H. cho Công ty V. thuê 2.000 m2 nhà xưởng làm kho chứa hàng. Tám tháng sau, nhà xưởng của Công ty H. xảy ra một vụ cháy lớn làm tiêu hủy toàn bộ hàng hóa, tài sản nằm trên phần kho Công ty V. thuê.
Sau đó, Công ty V. liên hệ hai công ty để giám định giá trị tài sản thiệt hại. Theo kết quả giám định, tổng giá trị thiệt hại của Công ty V. là hơn 17 tỉ đồng. Công ty V. yêu cầu Công ty H. bồi thường theo kết quả giám định này. Công ty H. thì cương quyết không chịu, yêu cầu tòa giám định lại với lý do hai công ty giám định trên do Công ty V. mời nên không khách quan.
Điều khó khăn đối với tòa và cả những công ty giám định trong việc giám định lại là việc giám định chỉ dựa trên giấy tờ vì tài sản đã bị cháy rụi. Trước đó, giám định cũng chỉ dựa trên các tài liệu các bên cung cấp chứ không có tài sản thật.
Vất vả tìm giám định viên
Tháng 6-2012, TAND TP Đà Nẵng thụ lý một vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ là phần mềm hệ thống website.
Theo đơn kiện của Công ty Đ., năm 2011, công ty này ký hợp đồng thuê Công ty Q. thiết kế xây dựng và cung cấp một website với giá 35.410 USD (khoảng 700 triệu đồng). Đến tháng 6-2012, hai bên xảy ra tranh chấp về chất lượng website nên Công ty Đ. khởi kiện đòi lại hơn 200 triệu đồng đã thanh toán cho Công ty Q. trước đó.
Công ty Q. phản tố cho rằng Công ty Đ. đã sử dụng trái phép sản phẩm phần mềm thuộc bản quyền của mình. Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Công ty Q. yêu cầu tòa trưng cầu giám định đối với phần mềm website mà Công ty Đ. đang sử dụng.
Tháng 1-2013, TAND TP Đà Nẵng có công văn gửi Sở VH-TT&DL, Sở TT&TT đề nghị giới thiệu giám định viên tư pháp để giám định hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm phần mềm. Ít ngày sau, Sở VH-TT&DL có công văn đề nghị tòa “phối hợp làm việc với văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Đà Nẵng. Đây là cơ quan trực thuộc Cục Bản quyền tác giả, có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về quyền tác giả”. Riêng Sở TT&TT, sau khi được Bộ TT&TT hướng dẫn thì có công văn trả lời tòa rằng “việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan thuộc thẩm quyền của ngành VH-TT&DL” và cũng giới thiệu tòa liên hệ Cục Bản quyền tác giả.
Sau ba lần gửi công văn đề nghị Cục Bản quyền tác giả giám định, TAND TP Đà Nẵng được Cục Bản quyền tác giả trả lời là đến nay chưa có tổ chức giám định quyền tác giả mà tòa có thể trưng cầu...
Tương tự, trong một vụ tranh chấp về quyền tác giả tác phẩm kiến trúc, TAND TP Đà Nẵng gửi yêu cầu giám định đến cơ quan giám định nào cũng bị khước từ do “chưa có giám định viên về lĩnh vực kiến trúc”.
Cần cơ quan chuyên trách về giám định Giám định là hoạt động bổ trợ tư pháp nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải quyết án. Hiện nay trong các vụ án mà tòa thụ lý, đặc biệt là án phi hình sự, có rất nhiều quan hệ pháp lý mới. Khi có yêu cầu giám định để làm căn cứ giải quyết thì tòa không biết phải trông chờ vào cơ quan giám định nào. Do đó, cần phải có cơ quan chuyên trách về giám định để các tòa không phải “chạy lung tung” khi muốn trưng cầu giám định. Cạnh đó, pháp luật cần bổ sung quy định về việc giám định nhiều lần trong cùng một vụ án. Cần quy định một cách chặt chẽ, cụ thể, chi tiết về căn cứ để giám định lại, trong từng loại án thì được giám định tối đa bao nhiêu lần, khoảng cách thời gian của từng lần giám định ra sao... Ngoài ra, cũng cần bổ sung quy định về việc định giá thiệt hại của tài sản có giá trị nghệ thuật, tài sản nằm ngoài danh mục hàng hóa nhà nước quy định, hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, hàng cấm nhập khẩu… Quy định rõ trách nhiệm của giám định viên cũng như chế tài xử lý khi giám định viên làm không đúng, không hết trách nhiệm, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. Thẩm phán TRẦN HUY ĐỨC, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng Tiêu điểm Đòi ra nước ngoài... giám định Ông M. nộp đơn yêu cầu TAND một quận tại Đà Nẵng công nhận con của vợ chồng ông N. là con mình. Kèm theo đó, ông M. cũng nộp cho tòa kết quả giám định ADN xác định cháu bé là con của ông. Gia đình ông N. nói kết quả giám định ADN này là giả mạo và không đồng ý cho giám định ADN lại vì cháu bé là con của ông bà. Sau khi tòa thuyết phục, cuối cùng ông N. cũng đồng ý cho lấy mẫu để giám định. Kết quả giám định lần hai cho thấy cháu bé đúng là con của ông M. thật. Dù vậy, ông N. vẫn nhiều lần yêu cầu giám định lại, thậm chí yêu cầu tòa phải cho giám định ở nước ngoài. Dĩ nhiên tòa không chấp nhận và đưa ra xử, tuyên cháu bé là con của ông M. Do trong đơn khởi kiện ông M. chỉ yêu cầu xác định con chứ không giành quyền nuôi con nên tòa vẫn giữ nguyên quyền nuôi con cho vợ chồng ông N. |