Trước đây, báo Pháp Luật TP.HCM từng có bài phản ánh về vụ án có dấu hiệu bị hình sự hóa quan hệ dân sự của bà Ngô Minh Chiến ở thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Theo hồ sơ, tháng 7-2010, bà Chiến ký hợp đồng vay của ông T. 9 tỉ đồng với lãi suất 2%/tháng. Tháng 4-2012, hai bên chốt lại số nợ còn 2,9 tỉ đồng (gồm 2,5 tỉ đồng tiền gốc và 400 triệu đồng tiền lãi). Sau đó bà Chiến không trả được nợ nên tháng 11-2013, ông T. đã làm đơn tố cáo bà Chiến chiếm đoạt của ông 2,9 tỉ đồng. Công an triệu tập lên làm việc, bà Chiến thừa nhận nợ và không hề bỏ trốn.
Tuy nhiên, đến tháng 11-2014, công an vẫn khởi tố, bắt tạm giam bà Chiến hơn một tháng, sau đó biết bà có thai mới cho bà tại ngoại. Tháng 8-2015, cơ quan điều tra (CQĐT) ra kết luận điều tra xác định con số bà Chiến chiếm đoạt lên đến 5,2 tỉ đồng chứ không chỉ là 2,9 tỉ đồng như tố cáo của ông T. Cụ thể, số tiền này được cộng từ số tiền 2,9 tỉ đồng còn nợ với số tiền lãi tính từ lúc bà vay ông T. 9 tỉ đồng ban đầu cho đến lúc ông T. tố cáo (ngày 28-11-2013). Bốn tháng sau VKS trả hồ sơ cho CQĐT, 10 ngày sau CQĐT có kết luận điều tra bổ sung như trên.
Cụ thể, ngày 31-8-2015, CQĐT Công an tỉnh Bình Phước đã ra kết luận điều tra, chuyển hồ sơ yêu cầu VKS tỉnh truy tố bà Chiến về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 140 BLHS. CQĐT kết luận bà Chiến chiếm đoạt hơn 5,2 tỉ đồng của một người khác, trong đó có 2,9 tỉ đồng tiền gốc, còn lại là tiền lãi...
Bà Chiến khiếu nại, cho rằng trong kết luận điều tra không đề cập đến quá trình vay mượn, đòi nợ giữa hai bên theo giấy xác nhận nợ. Đồng thời kết luận điều tra không đưa đầy đủ nội dung kết luận của cơ quan giám định. Trên Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng không thể tính cộng lãi với phần tiền gốc để định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các tội lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản…
Gần bốn tháng sau, VKS đã không truy tố mà trả hồ sơ yêu cầu CQĐT tiếp tục làm rõ số nợ giữa bà Chiến và ông T. Chỉ 10 ngày sau, CQĐT có câu trả lời: Năm 2011, ông T. là chủ Công ty TNHH MTV B.H, có vay ngân hàng 3 tỉ đồng, thời hạn một năm. Đến hạn, chưa có tiền trả, nhớ là Công ty TNHH MTV Phòng khám Đa khoa Tâm Đức do bà Chiến làm chủ còn nợ 5,4 tỉ đồng (theo ông ước tính), ông T. cùng nhân viên ngân hàng đến gặp bà Chiến trao đổi xác nhận món nợ của hai công ty nhằm mục đích để ngân hàng không đòi tiền nữa. Sau đó, ông T. thấy số nợ trên không phù hợp nên ghi vào sau giấy xác nhận số tiền này là không đúng và không có hiệu lực. Ngày 25-4-2012, ông T. và bà Chiến lập lại một giấy công nợ mới và bên nợ hứa một năm sau sẽ thanh toán. Nhưng sau đó bà Chiến đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền vốn lẫn lãi của ông T.
Bà Chiến trình bày: “Trước khi bị khởi tố, tạm giam, tôi không bỏ trốn. Đồng thời, tài sản hiện có đảm bảo trả được nợ cho ông T. Bản thân tôi cũng rất ý thức nhận nợ nên rất nhiều lần đồng ý xác nhận nợ với ông T. với nhiều số tiền và nội dung khác nhau do chính ông lập sẵn như trong kết luận bổ sung của CQĐT. Nhưng sau đó CQĐT vẫn cho rằng tôi có ý thức chiếm đoạt tiền của ông T. là rất mâu thuẫn. Trong khi trước đó ông T. đã khởi kiện vụ tranh chấp hợp đồng vay với tôi ra tòa nhưng sau đó ông lại rút đơn khởi kiện và ra công an tố cáo. Rồi công an khởi tố, bắt tạm giam tôi cho đến khi phát hiện tôi có thai, CQĐT mới cho tại ngoại. Trong thời gian giải quyết vụ án, công an lại thường “gợi ý” tôi viết lại giấy nợ mới cho ông T. thì vụ án sẽ khép lại, mà điều này hoàn toàn trái luật”...