Các chuyên gia y tế và khoa học hàng đầu thế giới cho biết sự xuất hiện của biến thể Omicron, với tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó, đã khiến hy vọng về khả năng miễn dịch cộng đồng của các nước khó thành hiện thực.
Biến thể Omicron làm giảm hy vọng miễn dịch cộng đồng
Ngay từ những ngày đầu tiên của đại dịch, các quan chức y tế khắp nơi đã hy vọng có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng đối với đại dịch COVID-19 một khi tỷ lệ dân số được tiêm vaccine hoặc bị nhiễm bệnh đủ cao.
Tuy vậy, những hy vọng này đã bị dập tắt khi nhiều biến thể mới nhanh chóng và liên tục xuất hiện trong hai năm qua, gia tăng nguy cơ tái nhiễm đối với những người từng mắc COVID-19 trước đó hoặc đã được tiêm phòng đầy đủ.
Nhân viên y tế cầm lọ chứa mẫu bệnh phẩm người nhiễm biến thể Omicron. Ảnh: PHARMALIVE
Dù tình hình không mấy khả quan, song mong muốn về miễn dịch cộng đồng lại một lần nữa được một số quan chức y tế hồi sinh kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối năm 2021.
Họ lập luận rằng với tốc độ lây lan nhanh cùng độc lực nhẹ hơn, Omicron có thể khiến cả thế giới có đủ số người nhiễm COVID-19 theo cách ít nguy hại hơn và từ đó, gia tăng khả năng bảo vệ cho toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh lưu ý rằng khả năng lây truyền của Omicron phát triển mạnh hơn là do biến thể này mạnh và phức tạp hơn nhiều lần so với các biến thể trước, đặc biệt trong việc lây nhiễm cho những người đã được tiêm phòng hoặc từng mắc bệnh trước đó.
“Điều này đã làm tăng thêm bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 cùng virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tìm cách phá vỡ hệ thống phòng thủ miễn dịch của chúng ta” - các chuyên gia y tế nhận định.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: REUTERS
“Theo lý thuyết, việc đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng mà sau đó sự lây truyền sẽ ngừng lại có lẽ là phi thực tế dựa trên kinh nghiệm mà chúng ta đã có trong đại dịch” - TS Olivier le Polain, nhà dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là mức độ miễn dịch trước đó không mang lại lợi ích gì. Thay vì miễn dịch cộng đồng, nhiều chuyên gia khác cho hay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vaccine và sự lây nhiễm trước đó vẫn sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch chống lại COVID-19 bằng cách làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn đối với những người bị nhiễm đã tiêm vaccine hoặc tái nhiễm.
“Miễn là khả năng miễn dịch của cộng đồng còn tồn tại với biến thể này và các biến thể trong tương lai, chúng ta sẽ may mắn và căn bệnh này sẽ có thể kiểm soát được” - TS David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London chia sẻ.
Một phụ nữ đang được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: YAHOO NEWS
Dịch sẽ tiếp tục tồn tại, mọi người đều sẽ bị nhiễm COVID-19
Những loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại chủ yếu được thiết kế để ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong hơn là bị nhiễm. Nhưng kết quả thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm 2020 cho thấy hai trong số các loại vaccine hiện hành có mức độ hiệu quả hơn 90% đối với căn bệnh này, làm dấy lên hy vọng rằng virus có thể được ngăn chặn phần lớn bằng cách tiêm chủng rộng rãi.
Ông Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Viện ĐH Harvard, cho biết với virus SARS-CoV-2, có hai yếu tố đã làm suy yếu bức tranh tương lai về miễn dịch cộng đồng.
“Đầu tiên là khả năng miễn dịch, đặc biệt là đối với người mắc COVID-19 trước đó, là loại miễn dịch quan trọng, song lại suy yếu khá nhanh. Thứ hai, virus có thể nhanh chóng đột biến theo cách khiến chúng tránh được sự bảo vệ từ việc tiêm chủng hoặc nhiễm trùng trước đó, ngay cả khi khả năng miễn dịch chưa suy yếu” - ông Lipstich cho hay.
TS David Wohl, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Chapel Hill thuộc ĐH North Carolina cho rằng “việc những người tiêm chủng rồi vẫn có thể phát tán virus và lây truyền sang cho người khác đã làm thay đổi cuộc chơi hoàn toàn”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: FINANCIAL EXPRESS
Ông Pasi Penttinen, chuyên gia hàng đầu về bệnh cúm tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, cho biết hiện các hãng dược trên toàn cầu đang phát triển các loại vaccine cung cấp khả năng miễn dịch chống lại các biến thể trong tương lai, nhưng sẽ mất nhiều thời gian.
"Những điều này đã được đăng trên các phương tiện truyền thông: Chúng ta sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng khi 60% dân số được tiêm chủng, rồi điều đó đã không xảy ra. Sau đó là 80%. Một lần nữa, điều đó đã không xảy ra” - ông Francois Balloux, GS sinh học tại ĐH College London nói.
Theo ông Balloux, “dù nghe có vẻ kinh khủng nhưng con người phải chuẩn bị tinh thần cho thực tế rằng phần lớn, về cơ bản là tất cả mọi người đều sẽ bị nhiễm COVID-19”.
Các chuyên gia y tế toàn cầu cho rằng virus SARS-CoV-2 cuối cùng sẽ trở thành loài đặc hữu, tồn tại lâu dài trên toàn cầu và gây ra những đợt bùng phát dịch lẻ tẻ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã đặt ra câu hỏi về thời điểm chính xác điều đó có thể xảy ra.