Ông Biden cố gắng xử lý tình trạng khẩn cấp năng lượng

(PLO)- Thiếu năng lượng đặc biệt thiếu điện trầm trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, ra hàng loạt giải pháp tăng nguồn cung trong nước và hỗ trợ nhập khẩu pin mặt trời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-6 (giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden đã ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng toàn nước Mỹ. Theo lời cảnh báo của ông thì an ninh quốc gia và chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ đang bị xuống cấp do tình trạng thiếu hụt tiềm tàng về nguồn cung năng lượng.

Để giải quyết, Mỹ dự kiến tới đây sẽ thực hiện đồng thời hàng loạt động thái thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời trong nước và miễn thuế quan hai năm đối với mặt hàng này nhập từ bốn quốc gia Đông Nam Á, hãng tin AP cho biết.

Vì sao Mỹ khủng hoảng năng lượng?

Theo ông Biden, hiện nay có nhiều yếu tố đang đe dọa khả năng cung ứng năng lượng phục vụ nhu cầu của người dân Mỹ. Các yếu tố đó bao gồm sự đứt gãy của thị trường năng lượng vì cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng tình trạng thời tiết cực đoan ngày càng trầm trọng hơn vì biến đổi khí hậu.

Ông Biden từng viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng hồi tháng 4 để thúc đẩy sản xuất lithium cùng các khoáng chất để cung cấp năng lượng cho xe điện và hồi tháng 5 để ưu tiên thúc đẩy nguồn cung sữa bột cho trẻ em của Mỹ.

Trong bối cảnh như vậy, nhà lãnh đạo Mỹ đã phải viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo đó, các công ty năng lượng sẽ phải tập trung nguồn lực sản xuất pin năng lượng mặt trời, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để có thêm nguồn cung cho nhu cầu cả nước. Mỹ cũng sẽ tăng nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu.

Ông Biden nêu rõ các công nghệ năng lượng tái tạo hiện nay đóng góp một phần quan trọng trong việc giảm chi phí năng lượng cho các gia đình, giảm rủi ro cho thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở Mỹ. Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2024 tăng gấp ba lần lượng điện mặt trời sản xuất trong nước - từ 7,5 gigawatt lên 22,5 gigawatt - đủ để cung cấp cho 3,3 triệu hộ gia đình Mỹ mỗi năm.

Công nhân lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện thuộc TP Oil City, bang Pennsylvania (Mỹ) hồi tháng 4. Ảnh: CNN

Công nhân lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện thuộc TP Oil City,
bang Pennsylvania (Mỹ) hồi tháng 4. Ảnh: CNN

Hỗ trợ sản xuất trong nước và nhập khẩu tấm pin mặt trời

Tổng thống Biden đã ủy quyền cho Bộ Năng lượng Mỹ áp dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng để tăng tốc sản xuất các linh kiện tấm pin năng lượng mặt trời, thiết bị tiết kiệm năng lượng, cách nhiệt tòa nhà, máy biến áp cần thiết cho lưới điện và các thiết bị khác như pin nhiên liệu.

“Ông ấy (Tổng thống Biden) đang đặt toàn bộ lực lượng của chính phủ liên bang đằng sau việc ủng hộ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo của Mỹ” - theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre.

Đối với pin mặt trời nhập từ nước ngoài, Mỹ sẽ miễn thuế quan trong hai năm đối với nguồn hàng nhập từ bốn nước Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Hồi tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ từng thông báo đang xem xét kỹ lưỡng việc có nên tiếp tục cho phép nhập khẩu các tấm pin mặt trời từ bốn nước này hay không lo ngại rằng các sản phẩm từ đây có thể vi phạm luật chống bán phá giá ở Mỹ. Hiện khoảng 75% tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt ở Mỹ là nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Khi được hỏi liệu việc ông Biden miễn thuế quan lên các tấm pin năng lượng mặt trời nhập từ Đông Nam Á có thể sẽ tạo kẽ hở để Trung Quốc lách thuế Mỹ, bà Jean-Pierre khẳng định việc miễn thuế dựa trên Đạo luật sản xuất quốc phòng “sẽ đảm bảo chắc chắn rằng ông đang đem lại lợi ích cho người dân Mỹ”.

Trả lời tờ USA Today, chuyên gia về năng lượng tái tạo tại Trung tâm đa dạng sinh học (Mỹ) Jean Su cho rằng động thái của ông Biden có thể “tạo động lực quan trọng cho quá trình chuyển đổi cần thiết sang điện mặt trời”.

“Chúng tôi hy vọng việc sử dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng là một bước ngoặt, tổng thống đã phải sử dụng tất cả quyền hành pháp của mình để đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu” - bà Su khẳng định.•

Ông Putin lý giải tình trạng thiếu hụt năng lượng,
lương thực toàn cầu

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được kênh Rossiya-1 phát sóng hôm 5-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu hiện nay thực chất là hậu quả từ các chính sách kinh tế, tài chính của phương Tây, theo đài CNN. Chẳng hạn, ông Putin cho rằng việc Mỹ "bơm số tiền lớn" vào nền kinh tế để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến lạm phát và gây ra "tình hình bất lợi trên thị trường thực phẩm, bởi giá thực phẩm tăng đầu tiên".

Ông cũng cho rằng "chính sách sai lầm của các nước châu Âu, trên hết là Ủy ban châu Âu, trong lĩnh vực năng lượng" là một nguyên nhân khác dẫn đến khủng hoảng thực phẩm và năng lượng trên toàn cầu như hiện nay.

"Người châu Âu đã không lắng nghe những yêu cầu khẩn cấp của chúng tôi nhằm duy trì hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn, thay vào đó họ bắt đầu chấm dứt hợp đồng. Điều này tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng châu Âu, khiến giá cả leo thang. Nga hoàn toàn không liên can gì đến tình hình này" - theo ông Putin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm