Ông Biden gặp ông Tập: Quản lý khác biệt, tránh xung đột

(PLO)- Ông Biden và ông Tập Cận Bình thống nhất cùng quản lý khác biệt để tránh xung đột, vì một mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định có tầm quan trọng rất lớn với cục diện thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-11 tại Bali (Indonesia), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này sau ba năm, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn đang căng thẳng nhiều vấn đề.

Hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại cuộc gặp chiều 14-11 ở Bali (Indonesia). Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại cuộc gặp chiều 14-11 ở Bali (Indonesia).
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Mỹ - Trung cùng chia sẻ trách nhiệm với thế giới

Mở đầu cuộc gặp, ông Tập đánh giá mối quan hệ Mỹ - Trung đang rơi vào tình trạng đầy rủi ro khiến tất cả quốc gia trên thế giới phải quan ngại, theo Tân Hoa xã. Quan chức hai bên cũng đứng ngồi không yên bởi sự căng thẳng này không phải là lợi ích cơ bản của hai quốc gia.

“Với tư cách là các nhà lãnh đạo của hai cường quốc, chúng ta cần phải vạch ra hướng đi phù hợp cho quan hệ Mỹ - Trung. Chúng ta cần phải tìm ra hướng đi đúng đắn cho mối quan hệ này trong tương lai và nâng tầm nó” - ông Tập cho biết.

Nhà lãnh đạo TQ còn nhấn mạnh cả thế giới đang kỳ vọng Bắc Kinh và Washington sẽ tiếp cận đúng về mối quan hệ hai nước và cuộc gặp lần này đang được theo dõi sát sao. Do đó, Mỹ và TQ cần tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia hơn nữa để mang lại nhiều hy vọng cho hòa bình thế giới, niềm tin lớn hơn vào sự ổn định toàn cầu và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung.

Về phía ông Biden, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông và ông Tập cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm để chứng tỏ rằng TQ và Mỹ có thể quản lý sự khác biệt giữa hai nước, ngăn cạnh tranh trở thành đối đầu, xung đột. Hai nước cần ưu tiên tìm cách làm việc cùng nhau về các vấn đề toàn cầu cấp bách, đòi hỏi sự hợp tác Mỹ - Trung. Đáp lại, ông Tập cho biết sẽ giữ liên lạc thường xuyên với ông Biden.

Về chủ đề được thảo luận, trong cuộc họp báo ngày 12-11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết một trong những vấn đề sẽ được ông Biden đề cập trong cuộc gặp với ông Tập là các hoạt động tên lửa gần đây của Triều Tiên. Ông Biden trước đó cũng từng xác nhận ông sẽ trao đổi với nhà lãnh đạo TQ về vấn đề Đài Loan và các “lằn ranh đỏ” giữa Mỹ và TQ.

Ông Sullivan nhấn mạnh Tổng thống Biden sẽ không đưa ra yêu cầu với Bắc Kinh, mà chỉ trên cơ sở chia sẻ quan điểm. Washington đánh giá Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc mà với “hòa bình và ổn định của toàn khu vực”.

Ba tiếng là thời gian diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Hai ông đã có năm cuộc điện đàm kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021. Cuộc gặp trực tiếp cuối cùng giữa ông Tập với ông Biden diễn ra dưới thời Tổng thống Barack Obama vào năm 2011 - khi ông Biden là phó tổng thống.

Cơ hội xác định rõ ý định của nhau

Cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập là cuộc gặp song phương được chờ đợi nhất bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Hình ảnh ông Biden và ông Tập bắt tay trước quốc kỳ hai quốc gia nói lên nhiều điều khi hai nước vừa trải qua nhiều tháng căng thẳng nghiêm trọng liên quan vấn đề Đài Loan, đặc biệt sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo này đầu tháng 8.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội TQ Xuân Lý Tình, sở dĩ cộng đồng quốc tế chờ đợi và đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập bởi nhu cầu cấp thiết về việc hai cường quốc phải quản lý những khác biệt, cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu và duy trì sự hòa bình, ổn định của toàn cầu. Liên lạc giữa lãnh đạo cấp cao nên đóng vai trò quan trọng trong việc điều hướng và quản lý quan hệ hai bên.

Theo đánh giá của giới phân tích, dù không nhiều kỳ vọng cuộc gặp mang lại kết quả lớn hay giúp giảm căng thẳng, tháo gỡ các vấn đề song phương, tuy nhiên đây là cơ hội để lãnh đạo hai nước làm rõ những ưu tiên cũng như ý định của bên còn lại, qua đó làm giảm bớt những hiểu lầm và nhận thức sai lầm chiến lược.

PGS Lý Minh Dương thuộc Trường quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng sau cuộc gặp này hai nước có thể mở lại một số cơ chế làm việc thuộc nhiều cấp cho các cuộc tham vấn song phương về thương mại cũng như một số lĩnh vực khác. TS Oriana Skylar Mastro thuộc ĐH Stanford (Mỹ) cho biết chính quyền Biden có thể sẽ cố gắng đạt được “một mũi tên trúng hai đích”, khi “tranh thủ sự ủng hộ của TQ về các vấn đề như kiềm chế ở Triều Tiên và biến đổi khí hậu để tạo tiền đề cho hợp tác giữa Mỹ và TQ”.•

Phái đoàn hai bên gồm những ai?

Theo đài CNN, phái đoàn của ông Tập gồm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản TQ Đinh Tiết Tường - vừa được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Hà Lập Phong - người vừa được đề bạt vào Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, tháp tùng ông Tập còn có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Phái đoàn của ông Biden bao gồm hai quan chức cấp nội các - một điều tương đối hiếm đối với các cuộc gặp song phương, phản ánh tầm quan trọng của chính quyền Mỹ đối với cuộc gặp. Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngồi ở hai bên ông Biden trong cuộc gặp với phía TQ.

Ông Blinken là nhân vật hàng đầu định hình chính sách TQ hiện tại của Mỹ. Hồi tháng 5, ông Blinken đưa ra cách tiếp cận của chính quyền, gọi Bắc Kinh là “thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế”. Bà Yellen đã nhiều lần đưa ra quan điểm sắc bén về sự cần thiết phải giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng của TQ nhưng cũng bày tỏ sự quan tâm đến các cam kết tập trung hơn - bao gồm cả cách các chính sách của Mỹ và TQ tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra còn có Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, một số quan chức phụ trách châu Á như Đại sứ Mỹ tại TQ Nicholas Burns, trợ lý ngoại trưởng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và bốn quan chức Hội đồng An ninh quốc gia chuyên về châu Á và TQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm