Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở Mỹ hôm 21-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ý thiếu hài lòng với một thành viên trong nhóm Bộ tứ kim cương (Nhóm QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ).
Cụ thể, theo hãng Reuters, ông Biden nói rằng nhằm phản ứng với việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã cho thấy "một mặt trận thống nhất khắp NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và Thái Bình Dương".
Ở Thái Bình Dương, 3 thành viên trong nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Úc) đã rất mạnh mẽ và kiên quyết với Nga, riêng Ấn Độ thì vẫn còn giữ thái độ trung lập, theo ông Biden.
Mỹ, Nhật và Úc đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Với mục tiêu cân bằng mối quan hệ với Moscow và cả phương Tây, Ấn Độ kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ở Ukraine, nhưng không lên án việc Nga phát động chiến dịch quân sự. Ấn Độ cũng không áp đặt lệnh trừng phạt nào đối với nhà cung cấp khí tài quân sự lớn nhất của mình.
Tổng thống Joe Biden lắng nghe Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong cuộc họp của QUAD ở Mỹ vào ngày 24-9-2021. Ảnh: REUTERS
Sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa các thủ tướng Úc và Ấn Độ hôm 21-3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Úc hiểu quan điểm của Ấn Độ về cuộc xung đột ở Ukraine, điều này "phản ánh những sự cân nhắc và quyết định của riêng New Delhi".
Mặc dù mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã phát triển tốt hơn trong những năm gần đây, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí và đạn dược của Nga trong bối cảnh New Delhi đang trong cuộc tranh chấp căng thẳng ở khu vực biên giới với Trung Quốc, cũng như những căng thẳng lâu năm với Pakistan.
Ấn Độ cũng đang xem xét mua thêm dầu của Nga với giá chiết khấu. 2 công ty nhà nước Ấn Độ gần đây cũng đã đặt hàng năm triệu thùng dầu từ Moscow. Giải thích lập trường của mình, các nhà phân tích và quan chức chính phủ New Delhi chỉ ra rằng chính các nước châu Âu cũng đang mua nhiên liệu từ Nga.
Trước đó, vào ngày 21-3, sau cuộc gặp với ngoại trưởng Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với đài truyền hình NDTV của Ấn Độ rằng Washington không yêu cầu các đối tác như Ấn Độ ngừng mua năng lượng từ Nga một cách đột ngột.
"Chúng tôi đã nói rõ trong cuộc hội đàm rằng Mỹ hiểu rõ đó không phải là thứ mà bạn có thể cắt đứt ngay lập tức, giống như cách chúng tôi đã nói rõ với các đồng minh châu Âu, những quốc gia vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga rằng chúng tôi hiểu họ rồi cũng sẽ phải phát triển để thoát khỏi sự phụ thuộc này" - bà Nuland cho hay.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, "những gì Washington muốn là các bên sẽ làm việc cùng nhau để tìm ra nguồn năng lượng thay thế theo thời gian. Và đó là những gì Mỹ hy vọng sẽ làm được với Ấn Độ, cho dù đó là về mối quan hệ an ninh, năng lượng hay bất cứ vấn đề gì".
Bà Nuland khẳng định Washington có thể hỗ trợ cho New Delhi các thiết bị quốc phòng thời Liên Xô có được ở bên ngoài nước Nga.
"Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các nhu cầu an ninh cho Ukraine, cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả một số thiết bị từ thời Liên Xô. Và đó là những điều mà chúng tôi có thể làm với Ấn Độ khi nước này tiếp tục phát triển vị thế của mình” - bà Nuland nói.
Được thành lập vào năm 2007, Bộ Tứ kim cương là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc với mục tiêu duy trì trật tự an ninh dựa trên luật pháp quốc tế tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. |