Ông Biden ký sắc lệnh siết quản lý rủi ro AI

(PLO)- Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh nhằm giảm thiểu những rủi ro do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dân và an ninh Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một sắc lệnh nhằm giảm thiểu rủi ro do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dân và an ninh quốc gia. Đây là bước đi mới nhất của chính quyền ông Biden trong việc thiết lập quản lý AI, theo hãng tin Reuters.

Sắc lệnh trên trích dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng - đạo luật về an ninh quốc gia có từ năm 1950 mà ông Biden cho là chỉ sử dụng trong “những trường hợp cấp bách nhất”.

Theo đó, sắc lệnh mới yêu cầu các công ty phát triển hệ thống AI phải chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn và các thông tin với chính phủ Mỹ trước khi đưa công nghệ đến với người tiêu dùng.

AI.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại buổi ký sắc lệnh về AI ở Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: AP

Sắc lệnh cũng yêu cầu các công ty AI phải kiểm tra hệ thống để đảm bảo rằng công nghệ của họ không hỗ trợ cho các chính phủ và những kẻ khủng bố nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng của Mỹ.

“AI ở xung quanh chúng ta. Để hiện thực hóa tiềm năng của AI và tránh rủi ro, chúng ta cần quản lý công nghệ này” - ông Biden nói trước khi ký sắc lệnh.

Sắc lệnh mới cũng yêu cầu biện pháp giảm bớt mối nguy hiểm của công nghệ deepfake (công nghệ dùng AI để thay thế chân dung người này bằng người khác) đối với các cuộc bầu cử và người tiêu dùng.

“Deepfake sử dụng âm thanh và video do AI tạo ra để bôi nhọ danh tiếng, truyền bá tin tức giả mạo và thực hiện hành vi lừa đảo” - Tổng thống Biden nói.

Sau khi Tổng thống ký sắc lệnh, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ban hành một hướng dẫn về chèn nhãn dán và hình mờ (watermark) đối với những sản phẩm do AI tạo ra để phân biệt với ảnh thật.

Ngoài ra, sắc lệnh kêu gọi tìm giải pháp để giải quyết những tác hại mà AI gây ra cho người lao động.

Dù chủ yếu tập trung vào an toàn và an ninh liên quan AI nhưng sắc lệnh mới cũng có các điều khoản khuyến khích phát triển AI ở Mỹ, bao gồm việc thu hút nhân tài nước ngoài đến với các công ty và phòng nghiên cứu của Mỹ.

Tại lễ ký, Tổng thống Biden cũng kêu gọi quốc hội Mỹ hành động để quản lý tốt rủi ro AI trong nước.

Ngay sau khi ông Biden ký sắc lệnh trên, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết ông đang làm việc với một nhóm lưỡng đảng và hy vọng quốc hội sẽ có luật về AI trong vài tháng tới.

Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã tổ chức diễn đàn đối thoại với lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ lớn về các ưu tiên và rủi ro của AI cũng như cách quản lý công nghệ này

Không chỉ riêng Mỹ, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đang chạy đua để thiết lập cơ chế kiểm soát AI.

Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện những bước cuối cùng để đưa ra một bộ quy định toàn diện nhằm hạn chế rủi ro do AI gây ra. Sắp tới, Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) cũng sẽ công bố bộ quy tắc liên quan công nghệ này.

Hôm 26-10, Liên Hợp Quốc thông báo thành lập Cơ quan Cố vấn cấp cao về AI.

Ngày 1-11 tới, Anh sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về AI tại thủ đô London, dự kiến sẽ có sự tham gia của lãnh đạo từ nhiều nước trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm