Ông Biden lệnh điều quân Mỹ sang Estonia, Latvia và Lithuania sát Nga

Hôm 22-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chuyển một số lực lượng quân Mỹ ở châu Âu của sang Estonia, Latvia và Lithuania để củng cố sức mạnh quân sự ở sườn đông bắc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái này diễn ra sau khi Nga chính thức công nhận chủ quyền của các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, đài RT đưa tin.

Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden chỉ trích gay gắt việc Moscow công nhận độc lập hai khu vực ở Donbass và cáo buộc Nga cố gắng xâm nhập vào lãnh thổ của các nước láng giềng.

Ông Biden nói: "Theo quan điểm của tôi, ông ấy (Putin) đang tạo lý do để chiếm thêm lãnh thổ bằng vũ lực. Và nếu chúng ta nghe bài phát biểu của ông ấy vừa qua, tôi biết, và nhiều người trong số các bạn cũng vậy, rằng ông ấy đang tạo cơ sở lý luận để tiến xa hơn nữa”.

Ông Biden cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Moscow. Đồng thời, ông gọi các động thái của ông Putin ở Donbass là “sự khởi đầu của cuộc xâm lược Ukraine”. Ông nói thêm rằng Mỹ “không có ý định chống lại Nga” nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh “sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của NATO”.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden lệnh điều quân sang các nước sát Nga. Ảnh: REUTERS

Ông Biden phát biểu: “Ông Putin nghĩ ai nhân danh Chúa cho ông ấy quyền tuyên bố cái gọi là quốc gia mới trên lãnh thổ thuộc về các nước láng giềng của nước mình? Đây là một hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế có phản ứng kiên quyết".

Lầu Năm Góc cho biết 800 binh sĩ sẽ được chuyển từ Ý đến vùng Baltic và 8 máy bay phản lực F-35 sẽ được chuyển từ Đức đến Đông Âu. Ngoài ra, 32 máy bay trực thăng Apache cũng sẽ được chuyển đi từ Đức và Hy Lạp đến Ba Lan.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã hủy cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov dự kiến vào hôm 24-2 tại Geneva, với lý do rằng Nga đã "xâm lược" Ukraine vì Moscow đã công nhận độc lập hai khu vực ly khai của Ukraine.

Trong một cuộc họp báo, ông Blinken phát biểu: “Bây giờ chúng ta thấy cuộc xâm lược đang bắt đầu và Nga đã thể hiện rõ ràng việc từ bỏ ngoại giao, không có ý nghĩa gì nếu tiếp tục cuộc gặp đó vào thời điểm này”.

Nga đã đề xuất cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Lavrov và Blinken vào tuần trước và Mỹ đã chấp nhận ngay sau đó. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đồng ý gặp mặt với điều kiện Moscow không "xâm lược" Ukraine.

Các động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) là các quốc gia có chủ quyền và đề xuất đưa quân Nga vào hai vùng này để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hoà bình.

Các nhà lập pháp Nga hôm 22-2 cũng đã chấp thuận yêu cầu này của ông Putin trong việc cho phép khai lực lượng ở nước ngoài. Ngay sau đó, chính quyền Kiev và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố Moscow đã cử lực lượng của mình tới hai khu vực nói trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới