Ngày 9-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành sắc lệnh hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc (TQ), theo hãng tin AFP.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết sắc lệnh mới của ông Biden sẽ nhắm mục tiêu vào những nguồn vốn cổ phần tư nhân và đầu tư liên doanh của Mỹ tại TQ trong 3 lĩnh vực chính, gồm sản xuất chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI). Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS |
Theo AFP, mục tiêu của sắc lệnh này nhằm ngăn khả năng các nguồn vốn và công nghệ Mỹ giúp TQ phát triển các loại công nghệ tinh vi có thể hỗ trợ Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội - điều mà Washington cho là sẽ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù các quan chức Mỹ khẳng định lệnh cấm chỉ tập trung giải quyết những rủi ro an ninh quốc gia chứ không tách kinh tế Mỹ khỏi TQ.
Theo tờ South China Morning Post, trong ngày 9-8, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết tuần trước đã liên lạc với Đại sứ TQ tại Mỹ Tạ Phong để nói về việc ông Biden sẽ ký sắc lệnh hạn chế đầu tư vào công nghệ tại TQ. Ông Tạ đã phản đối sắc lệnh của ông Biden, cho rằng nó đi ngược lại nỗ lực hàn gắn ngoại giao của Washington với Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Đại sứ quán TQ tại Mỹ Lưu Bành Vũ cho rằng những hạn chế mới sẽ làm suy yếu lợi ích các công ty và nhà đầu tư của Mỹ cũng như TQ, cản trở sự hợp tác kinh doanh giữa 2 nước, làm giảm niềm tin của cộng đồng quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Mỹ.
Ông Lưu còn lưu ý rằng ông hy vọng Washington sẽ tuân thủ cam kết không tách rời kinh tế Mỹ khỏi TQ, không kiềm hãm khả năng phát triển kinh tế, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của TQ.
Hồi tháng 7 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh từng nói rằng Bắc Kinh phản đối việc Washington chính trị hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ.
Bà Mao còn kêu gọi Mỹ nên chấm dứt hành động kìm kẹp sự phát triển của các công ty tại TQ, tôn trọng luật kinh tế thị trường và các quy tác thương mại tự do, bảo vệ sự ổn định chuỗi cung ứng thị trường và nền công nghiệp toàn cầu.