Tối 27-6 (giờ Mỹ, tương đương sáng 28-6 theo giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Joe Biden (đại diện đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (đại diện đảng Cộng hoà) bước vào phiên tranh luận đầu tiên do đài CNN tổ chức ở TP Atlanta (bang Georgia).
Tuy hiện đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn chưa mở đại hội đảng toàn quốc để chính thức đề cử ai sẽ đại diện đảng tham gia đường đua Nhà Trắng tháng 11 tới, song với số đại biểu trong tay, ông Biden và ông Trump gần như đã chắc vé tranh cử (hiện chỉ đợi công bố chính thức).
Hai bên sẵn sàng chiến lược tranh luận
Theo CNN, về cơ bản, cả hai nhóm tranh cử của ông Trump và ông Biden đều có những mục tiêu tương tự nhau trước thềm diễn ra phiên tranh luận đầu tiên, đó là chỉ trích đối phương là “bên gây rối" và hoàn toàn không đủ tư cách đảm nhiệm chức vụ trong nhiệm kỳ tới. Cả hai nhóm tranh cử đã dành nhiều tuần qua để điều chỉnh chiến lược tranh luận trên nhiều vấn đề khác nhau từ kinh tế, ngoại giao cho đến năng lực đảm nhiệm chức vụ của đối phương.
Để chuẩn bị cho phiên tranh luận, ông Biden tập hợp các trợ lý đáng tin cậy về Trại David trong nhiều ngày nhằm thảo luận và chuẩn bị chuyên sâu cho màn đối đầu đầu tiên với ông Trump. Ông Biden đã có các buổi thảo luận không chính thức về nhiều chủ đề, biên soạn danh sách câu hỏi có thể có cũng như câu trả lời cho từng câu hỏi đó. Đương kim tổng thống cũng tham gia các phiên tranh luận giả định kéo dài 90 phút, tương đương thời gian diễn ra phiên tranh luận chính thức.
Theo hãng tin Reuters, nhóm ông Biden sẽ xoáy vào chính sách cực đoan về phá thai của ông Trump. Các nguồn thạo tin của CNN thì cho biết rằng phía ông Biden cũng sẽ khai thác lỗ hổng và điểm yếu trong các phát ngôn của vị cựu tổng thống trong suốt thời gian qua.
Phần mình, ông Trump đã huy động sự giúp đỡ của một số nhân vật được cho là phó tướng tiềm năng của ông Trump trong cuộc đua Nhà Trắng năm nay, cũng như các thượng nghị sĩ, chuyên gia chính sách và các đồng minh khác để giúp ông lên chiến lược kỹ lưỡng trước phiên tranh luận sắp tới. Trong những tuần gần đây, ông Trump đã tham gia vào khoảng một chục cuộc thảo luận kiểu này, được nhóm tranh cử của ông gọi là các cuộc "thảo luận chính sách" không chính thức, các nguồn tin thạo tin nói với CNN.
Các cuộc họp đã đề cập nhiều chủ đề, bao gồm làm rõ thông điệp của ông Trump về các vấn đề kinh tế, biên giới; lập trường về phá thai, các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine; và lên chiến lược về cách phát ngôn xoay quanh vụ ông Trump bị bồi thẩm đoàn ở New York kết luận phạm 34 tội danh hình sự trong vụ xử ông chi tiền "bịt miệng" ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đã cùng các trợ lý dày dặn kinh nghiệm thảo luận tìm cách ứng phó với những câu hỏi hóc búa và chắc chắn không thể tránh khỏi của ông Biden liên quan vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021. Đội ngũ tranh cử của ông Trump cũng nhấn vào các các chính sách của đương kim tổng thống về vấn đề nhập cư và lạm phát.
Phiên tranh luận đầu tiên quan trọng thế nào?
Giới chuyên gia đánh giá rằng phiên tranh luận này rất quan trọng, vì đây là lần đối đầu đầu tiên giữa hai ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Phiên tranh luận sẽ cho cử tri thấy rõ nét nhất về sự khác biệt giữa ông Trump và ông Biden về các chính sách, lập trường của hai nhân vật này trên nhiều vấn đề.
Ông Ronald Brownstein, tay bút chuyên phân tích của chính trị của CNN, nhận định rằng bên cạnh làm sáng tỏ sự khác biệt giữa ông Trump và ông Biden, phiên tranh luận lần này còn đóng vai trò bộc lộ tính cách và năng lực của các ứng cử viên. Theo ông Brownstein, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả ông Biden và ông Trump đều đang phải đối mặt với những hoài nghi trong lòng cử tri về năng lực lãnh đạo đất nước của họ trong thời gian tới.
“Ông Biden đang phải đối mặt với những hoài nghi về việc liệu ông có đủ năng lực về thể chất và tinh thần để đảm nhiệm chức tổng thống tiếp hay không. Trong khi đó, thách thức lớn nhất của ông Trump là về tính cách. Nhiều cử tri vẫn không tin rằng ông Trump là một người lãnh đạo có cam kết với pháp quyền hoặc đủ tố chất về phẩm chất mà họ cần ở một vị tổng thống" - ông Brownstein nhận định.
Theo ông Aaron Kall, GĐ chương trình tranh luận tại ĐH Michigan (Mỹ), "thường cử tri không theo dõi sát các cuộc vận động tranh cử cho đến khi gần đến ngày bầu cử, song họ có thể sẽ theo dõi sát phiên tranh luận". Vì vậy theo ông Kall, "phiên tranh luận đầu tiên là một trong những cơ hội hiếm hoi cho nhóm cử tri này hiểu được [chính sách và lập trường của] các ứng viên tổng thống khi mà họ không theo dõi những ứng viên trong thời gian dài”.
Ông Kall đánh giá rằng việc đối đầu trực diện là một tính toán chính trị có rủi ro cao song cũng có thể là chìa khóa để một trong hai bên vượt lên trong một cuộc đua đang rơi vào thế trì trệ, khi mà các cuộc thăm dò đều cho thấy ông Trump và ông Biden đang rất ngang tài ngang sức, chỉ chênh lệch vài phần trăm.
Phiên tranh luận giữa ông Trump và ông Biden sắp tới có thể làm "rung chuyển đáng kể" cục diện cuộc đua Nhà Trắng - bà Sara Dorn - tay bút chính trị của tạp chí Forbes.
Theo bà Sara Dorn - tay bút chính trị của tạp chí Forbes, ông Trump đang dẫn trước ông Biden 4% trong cuộc thăm dò mới công bố ngày 26-6. Tuy nhiên, có khoảng 16% cử tri cho biết phiên tranh luận có thể thay đổi suy nghĩ của họ về việc sẽ bỏ phiếu cho ai vào tháng 11 tới. “Điều này cho thấy mức độ quan trọng của cuộc đối đầu lần này” - bà Sara nhấn mạnh.
Nhiều người Mỹ muốn theo dõi cuộc tranh luận Biden-Trump
Theo cuộc khảo sát do hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công NORC thực hiện và công bố ngày 26-6 (với 1.088 người trưởng thành Mỹ tham gia), có tới 64% người được hỏi nói rằng họ có thể xem, nghe một phần hoặc toàn bộ phiên tranh luận đầu tiên giữa ông Biden và ông Trump.
Theo AP, kết quả khảo sát cho thấy hàng chục triệu người Mỹ đã sẵn sàng nghe những gì ông Trump và ông Biden sẽ nói trong phiên tranh luận đầu tiên, dù ngày tranh luận diễn ra sớm hơn so với thường lệ (thường là vào tháng 9). Cả những người ủng hộ ông Trump và ông Biden đều coi phiên tranh luận là một bài kiểm tra lớn đối với ứng viên của họ.
Khoảng 47% người Mỹ tham gia cuộc khảo sát đánh giá phiên tranh luận cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của chiến dịch của ông Biden, trong khi đó khoảng 40% đưa ra nhận xét tương tự với chiến dịch của ông Trump.
Lần tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden trong cuộc đua Nhà Trắng hồi năm 2020 thu hút 73 triệu người xem, cao thứ ba trong lịch sử bầu cử Mỹ.