Ông David Dương: Tôi muốn đưa “công nghệ cao” từ Mỹ về Long An

(PLO)-Trò chuyện qua trực tuyến, ông David Dương (kiều bào Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty California Waste Solutions (CWS) tại Mỹ và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) tại Việt Nam đã gửi lời chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2022…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông David Duong, Chủ tịch kiêm TGĐ của CWS và VWS.

Ông David Duong, Chủ tịch kiêm TGĐ của CWS và VWS.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được những suy nghĩ rất táo bạo của ông về việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Mỹ và kiều bào vào dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An.

* Xin chúc mừng Công ty California Waste Solutions (CWS) vừa được nâng hạng từ 31 lên 23/100 công ty xử lý thu gom rác tại Mỹ, sự thành công này đến từ những lợi thế nào, thưa ông?

- Ông David Dương: Việc nâng hạng do Cơ quan Truyền thông chất thải Mỹ (Waste Age) đánh giá và lợi thế của chúng tôi là nhờ có 2 hợp đồng vừa tái ký với thành phố Oakland và San Jose. Bên cạnh đó, tổ chức này còn đánh giá về công nghệ, thiết bị mới; hợp đồng mới có thời hạn dài tới 15-20 năm, các hợp đồng giá trị trên một tỷ USD/hợp đồng của VWS… Đặc biệt hơn, họ ghi nhận những điều khoản mở rộng rất hữu ích trong các hợp đồng của CWS mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, như: sẵn sàng thu gom rác cồng kềnh, gặp đâu thu gom đó... mà không thu thêm phí hàng tháng.

* Ông có hài lòng với thứ hạng này chưa?

- Mục tiêu của CWS sắp tới là phấn đấu lọt vào top 8, bởi tại Mỹ có gần 3.000 công ty thu gom rác nhưng chỉ có 100 công ty hàng đầu được chọn. CWS là công ty châu Á nhưng được xếp hạng 23 đã rất tự hào rồi.

Để có thể thăng hạng nhanh hơn, CWS dự kiến sẽ thuê nhóm chuyên gia môi trường đánh giá, đồng thời thu mua lại các công ty vừa và nhỏ hoặc kêu gọi các công ty này sát nhập với CWS… Kế hoạch M&A này rất khả quan vì hiện đã có 3 ngân hàng lớn của Mỹ sẵn sàng tài trợ cho CWS.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ đến các tiểu bang đang gặp khó khăn trong xử lý rác vì những nơi này họ đang ký hợp đồng ngắn hạn, chỉ từ 3-4 năm. Những hợp đồng ngắn hạn này không thu hút các công ty tham gia đấu giá thu gom rác, bởi nếu đầu tư vốn lớn nhưng chỉ làm trong thời gian ngắn thì giá thu gom sẽ cao, không thể cạnh tranh với những đơn vị thu gom rác bằng công nghệ cũ, giá rẻ. Hiện tôi đang làm việc với Thị trưởng ở các tiểu bang miền Đông và đang trình hợp đồng thu gom rác tối thiểu 15-20, hoặc 35 năm. Thời gian hợp đồng càng dài, giá trả cho thu gom rác càng rẻ. Sắp tới, chắc chắn công ty sẽ mở rộng và chiếm thị phần ở miền Đông nước Mỹ.

* CWS chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý chất thải tái chế tiên tiến (Modern Recycling Facility) tại thành phố Oakland, California, tiến độ đến đâu rồi, thưa ông?

- CWS đã mua lại 14 mẫu đất (gần 6ha) ngay cầu cảng Oakland. Dự kiến cuối năm 2022 sẽ động thổ, thời gian xây dựng khoảng 2 năm. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nguyên vật liệu tăng giá, thiếu nhân công. Ban đầu, dự kiến nhà máy xây dựng khoảng 92 triệu USD nhưng hiện tại đã lên tới 128 triệu USD.

Đây là một nhà máy tiên tiến nhất với máy lọc rác, robot, phế liệu để tái chế, nam châm hút sắt, máy lọc nhôm… tự động hóa gần như 100%. Nhà máy này sẽ tự cung cấp 65% nguồn năng lượng tái sử dụng, công suất nhà máy sau khi xây dựng đạt 2.500 tấn rác/ngày.

* Mới đây, ông đã gặp bà Maggie Hasan - Thượng nghị sĩ Mỹ của bang New Hampshire và ông Tim Scott - Thượng nghị sĩ của bang South Carolina. Ông đã bàn bạc gì với họ?

Do sắp có cuộc bầu cử nên các Thượng nghị sĩ muốn tôi giúp họ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại tiểu bang của họ. Nhân dịp này, tôi đặt vấn đề xa hơn về đất nước Việt Nam, trong đó chính yếu vẫn là họ nghĩ gì về Việt Nam; trong tương lai, những quyết sách của họ có giúp ích gì cho Việt Nam, cho cộng đồng người Việt tại Mỹ hay không?

“Tôi đang thực hiện dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An nhằm bảo vệ môi trường và đang kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư khu xử lý rác cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông David Dương chia sẻ.

Điều tôi mong muốn là Mỹ có cái nhìn thiện cảm hơn với người dân, đất nước Việt Nam; cộng đồng người Việt có tiếng nói và được xem trọng hơn nữa ở Mỹ. Tôi muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp cho đất nước Việt Nam, chứ không phải vì lợi ích của cá nhân của mình.

* Đã vài lần nói chuyện, ông có bày tỏ mong muốn kêu gọi Việt kiều đầu tư vào dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An. Vậy dự án này có gì điểm gì đặc biệt và khác biệt để thu hút nguồn lực kiều bào?

- Tôi đã và đang thực hiện đầu tư vào dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An nhằm bảo vệ môi trường và kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư khu xử lý rác cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tôi thấy rằng, ở Việt Nam có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trong đó các Khu công nghệ cao nếu làm đúng sẽ góp phần tăng tốc phát triển cho khu vực phía Nam.

Phối cảnh Dự án Môi trường Xanh Long An.

Phối cảnh Dự án Môi trường Xanh Long An.

Tại San Jose có 70 nhà máy của người Việt, khi tôi kêu gọi doanh nghiệp về Việt Nam đầu tư, nhiều người rất muốn nhưng vẫn còn lo lắng về chính sách, luật pháp… Với người đang đầu tư tại Việt Nam, tôi rất hiểu những quan ngại đó. Vì vậy, dự định của tôi là sẽ mua một công ty công nghệ cao của người Việt Nam tại Mỹ trị giá khoảng 50 triệu USD, sau đó đưa tất cả thiết bị, chuyên gia, kỹ thuật viên về Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An.

Cầu bê tông cốt thép dẫn vào Dự án Môi trường Xanh Long An đã được đầu tư, xây dựng xong.

Cầu bê tông cốt thép dẫn vào Dự án Môi trường Xanh Long An đã được đầu tư, xây dựng xong.

Tôi sẽ kiến nghị Bộ Khoa học & Công nghệ cho phép được xây dựng Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An với diện tích 1.760 ha. Tôi đặt hết tất cả thiết bị tiên tiến nhất trong 2 lĩnh vực: xử lý môi trường và chỉ đón nhận các dự án công nghệ cao. Trong khu công nghệ cao này phải có trường học, rạp hát, bệnh viện… và những tiện ích khác để các chuyên gia có thể đưa gia đình vào đây làm việc, sinh sống.

Dự án này có lợi thế là chưa được xây dựng, do đó tôi sẽ xây dựng theo yêu cầu, tiêu chuẩn của Mỹ. Mình phải là người đem được “đầu rồng” về đây thì “vây cánh” của con rồng sẽ theo sau.

Nếu được chấp thuận, tôi xin khẳng định: Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An, chỉ ưu tiên tiếp nhận các dự án xử lý rác, bảo vệ môi trường và các dự án công nghệ cao. Tôi sẽ đặt ra tiêu chuẩn, đòi hỏi công nghệ cho cả nước chứ không chỉ ở những thành phố lớn. Tôi hy vọng sẽ thuyết phục được Chính phủ Việt Nam quyết định để sớm xây dựng Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An thành công.

* Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm