Ngày 22-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ PVN mất 800 tỉ đồng khi đầu tư vào OceanBank với phần tranh luận. Đại diện VKS tại tòa cho rằng trong việc góp vốn vào OceanBank, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận về việc tham gia góp vốn cùng Hà Văn Thắm - cựu chủ tịch OceanBank khi chưa thông qua HĐQT (sau này là HĐTV) PVN, điều này là trái điều lệ của PVN…
"Ông Thăng đóng vai trò chính"
Việc góp vốn vào OceanBank cũng trái chỉ đạo của Bộ Tài chính qua công văn yêu cầu phải tìm hiểu kỹ giá trị của OceanBank, giá trị thực cổ phiếu, trích lập dự phòng…
Đối với lần góp vốn thứ hai, các bị cáo ra nghị quyết tăng vốn vào OceanBank trước rồi xin ý kiến Thủ tướng sau. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu PVN phải rà soát, đảm bảo cân đối vốn và không nhất định phải nắm 20% vốn tại OceanBank… Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng đã cho tăng vốn trước khi có sự đồng ý của Thủ tướng.
Với lần góp vốn thứ ba, năm 2011, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực và quy định một cổ đông là tổ chức không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, bị cáo Thăng vẫn cho bà Vũ Thị Thanh Hương làm đại diện 20% vốn của PVN tại OceanBank và không khống chế nghị quyết tăng vốn.
Từ đó các bị cáo Liêm, Trường, Đức, Thắng đã ký nghị quyết tăng vốn lần ba là 100 tỉ đồng. Việc này vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng quy định và trong lần góp vốn này, các bị cáo cũng không báo cáo Thủ tướng.
“Các bị cáo dù có chủ trương của Thủ tướng nhưng thực hiện không triệt để, không thực hiện hết các yêu cầu của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ một cách có hệ thống… Việc các bị cáo báo cáo Chính phủ chỉ mang tính thủ tục” - đại diện VKS khẳng định.
Ông Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN
Đại diện VKS cũng cho rằng Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh tra lãi của OceanBank là lãi giả, cổ tức chính là tiền gốc, trả cho cổ đông là nhằm thu hút thêm vốn vào. Đối với việc ông Thăng cho rằng đã chuyển khỏi PVN trước khi OceanBank bị mua 0 đồng, đại diện VKS nêu quan điểm nguyên nhân mất 800 tỉ đồng là do các bị cáo đầu tư trái phép.
Trong vụ án này, bị cáo Thăng giữ vai trò chính, đưa ra chủ trương cố ý làm trái đồng thời chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn. Án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá quá trình đóng góp của bị cáo cho xã hội, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, được tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đến nay, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên cần giữ nguyên hình phạt.
Đối với các bị cáo còn lại, đại diện VKS đều cho rằng không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt, cả về hình sự và trách nhiệm dân sự.
“VKS quy chụp, không công bằng”
Nêu quan điểm trước bản luận tội của đại diện VKS, ông Đinh La Thăng nói: “Tôi không đồng tình toàn bộ nội dung kiểm sát viên nêu vì phần lớn nội dung đó đã nêu tại tòa sơ thẩm trước đây, đó là nhận định thiếu căn cứ, mang tính buộc tội, quy chụp, không công bằng… và có thể nói là không có lương tâm”.
Bị cáo này cho rằng cần xem xét vụ án phải đặt vào hoàn cảnh cách đây 10 năm; trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng về một tập đoàn kinh tế đa ngành, PVN được đầu tư vào tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, PVN đã dừng việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt.
Ông Thăng đề nghị việc xem xét vụ án phải thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, tinh thần của BLTTHS mới theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, xu hướng của VKS là tìm chứng cứ suy đoán, lập luận để bị cáo có tội.
Bị cáo khẳng định việc PVN đầu tư vào OceanBank là đúng chủ trương, đúng pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng trước khi thực hiện.
Về hiệu quả đầu tư, ông Thăng cho rằng việc góp vốn vào OceanBank trước hết đã xử lý hơn 300 tỉ đồng PVN bỏ ra và đội ngũ cán bộ, viên chức của ban trù bị Hồng Việt, năm năm liền (2009-2013) đều được chia cổ tức. Như vậy, phải khẳng định đầu tư này có hiệu quả, đúng chủ trương, được Thủ tướng và các cơ quan liên quan đồng ý.
Ông Thăng cũng đề nghị VKS xem xét trách nhiệm của mình vì chuyển công tác từ tháng 8-2011. Khi chuyển công tác thì mọi việc đều tốt đẹp, lợi tức từ tiền đầu tư vào ngân hàng được chia đến năm 2013. Năm 2011, NHNN vẫn xếp OceanBank loại A, năm 2012 và 2013 là B. “Việc này là NHNN đánh giá, không phải PVN và là thật, không phải ảo gì cả” - ông Thăng nói.
Ông Thăng tiếp tục khẳng định nguyên nhân mất vốn chính là do việc NHNN mua 0 đồng. VKS cho rằng OceanBank mất vốn chỉ là vấn đề thời gian nhưng không hề có bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào cảnh báo OceanBank sẽ mất vốn.