Luật và đời

Ông Đỗ Hữu Ca và 'quán tính quyền lực'

(PLO)- Nhiều người thay vì thảnh thơi sau một đời làm việc, khi đã rời xa quyền lực, họ phải trả giá cho những vi phạm, sai lầm của thời đương chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trường hợp ông Đỗ Hữu Ca, thiếu tướng, nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng, thì khác. Ông bị khởi tố do vi phạm pháp luật sau khi đã nghỉ hưu nhiều năm.

Ông Ca lên tướng, là một trong số ít cấp hàm cao nhất của ngành công an; giám đốc công an của một trong những TP trực thuộc Trung ương và tại vị chín năm ở đó trước khi nghỉ hưu vào năm 2019. Ông Đỗ Hữu Ca có thể coi là đã có một sự nghiệp thành công và trọn vẹn trước khi trở thành một bị cáo trong một vụ án hình sự.

ông đỗ hữu ca
Ông Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng

Ông Ca bị cáo buộc đã nhận 35 tỉ đồng để chạy án cho một người thực hiện hành vi phạm tội khỏi bị khởi tố. Người đưa tiền khai ông đã hứa hẹn: Cứ yên tâm về ăn Tết vì ông đã lo rồi. Ông thì khai: Tại người kia cứ đến nhà rồi để tiền đấy dù ông không đòi, ông cũng để tiền đấy chứ không làm gì để can thiệp cả.

Sự phi logic trong lời khai, cơ quan tố tụng đã làm rõ trong quá trình điều tra và sẽ tiếp tục được làm rõ tại tòa trong thời gian tới. Bởi không dễ gì thản nhiên mang một số tiền khổng lồ vào nhà một ông tướng (dù đã nghỉ hưu) và ông tướng ấy thản nhiên cất đi dù không hứa hẹn và không làm gì.

Vi phạm của ông Đỗ Hữu Ca có lẽ đã bắt nguồn từ quán tính quyền lực. Chức quyền không hẳn là hư danh, phần nào đó nó là trách nhiệm và vinh dự, là sự ghi nhận của xã hội với những đóng góp của một con người. Và nó cũng là sự kỳ vọng của xã hội về sự tiếp tục phát huy, cống hiến ở mức cao hơn của người đó khi bổ nhiệm họ vào một vị trí mới. Thế nên quyền lực của một chức vụ nó vừa là danh dự, vừa là công cụ mà Nhà nước trao cho anh để làm việc, để thực hiện nhiệm vụ phụng sự xã hội.

Các mối quan hệ có được từ vị trí ấy, theo nghĩa chính danh nhất, cũng là để phụng sự chứ không phải để ra oai và vun vén.

Ảo tưởng quyền lực và nấn níu nó để trục lợi khi đã rời quan trường sẽ khiến bản thân thêm nặng lòng, mải mê kiếm tìm những thứ mà chết không thể mang theo rồi đánh mất hết những gì từng có thì thật cay đắng.

Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước khi trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo này, người đưa tiền và cả ông Ca nhắm tới mục đích chạy án mà trong đó sẽ có những người “nhận hối lộ” hoặc “lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn...”. Tất cả được thực hiện trên cái nền quyền lực mà ông Ca từng có, trên sự kỳ vọng vào các mối quan hệ với những người có quyền lực mà ông Ca đang có.

Ảo tưởng quyền lực và nấn níu nó để trục lợi khi đã rời quan trường sẽ khiến bản thân thêm nặng lòng, mải mê kiếm tìm những thứ mà chết không thể mang theo rồi đánh mất hết những gì từng có thì thật cay đắng.

Quyền lực không phải là hư danh, nó hiện hữu nhưng phải tự giới hạn trong phạm vi dùng để phục vụ. Dĩ nhiên ngoài khả năng tự chế ngự của mỗi người thì Đảng và Nhà nước cũng đã có những chủ trương nhằm “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” như cách nói hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác kiểm soát quyền lực. Rộng hơn là những biện pháp kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị như Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và nhiều chủ trương, văn kiện, văn bản pháp luật khác.

Ông Đỗ Hữu Ca có một sự nghiệp thành công nhưng ông có một cuộc đời thất bại khi bị tù tội vào cuối đời.

Thất bại ấy sẽ không xảy ra nếu ông buông bỏ quyền lực bên ngoài ngôi biệt thự ở huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) khi đã cởi áo công vụ để trở về làm một cán bộ hưu trí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm