Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 4-11 nói với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – ông Jens Stoltenberg rằng Ankara sẽ không chính thức phê chuẩn việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên khối này cho đến khi hai nước thực hiện các “bước đi” cần thiết.
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: TWITTER |
Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các tay súng người Kurd sống ngoài vòng pháp luật mà Ankara coi là “khủng bố”, và từ chối phê chuẩn tư cách thành viên NATO của hai nước này bất chấp một thỏa thuận đạt được hồi tháng 6.
“Tổng thống Erdogan lưu ý rằng tiến trình Thụy Điển và Phần Lan thực hiện các bước cần thiết sẽ quyết định quá trình phê duyệt sẽ diễn ra nhanh như thế nào và khi nào nó sẽ được hoàn tất” – hãng tin AFP dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan và ông Stoltenberg đã tổ chức một cuộc họp riêng tại Istanbul mà giới truyền thông không được tiếp cận.
Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ việc theo đuổi chính sách không liên kết quân sự vốn kéo dài nhiều thập niên và vội vã xin gia nhập NATO vào tháng 5, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuy nhiên, ông Erdogan đã dọa sẽ ngăn chặn nỗ lực của Phần Lan, Thụy Điển và tìm kiếm những nhượng bộ từ hai nước này. Động thái này đã dẫn đến một thỏa thuận vào tháng 6 giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển vốn bao gồm các điều khoản về dẫn độ và chia sẻ thông tin.
Tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson sẽ đến thăm Ankara vào ngày 8-11 để gặp Tổng thống Erdogan trong một chuyến đi mà Stockholm hy vọng sẽ dẫn đến “cái gật đầu” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Tổng thư ký Stoltenberg “hoan nghênh các bước đi lớn, cụ thể mà hai nước đã thực hiện để đưa bản ghi nhớ vào thực tiễn, đồng thời nhấn mạnh rằng việc gia nhập của họ sẽ làm cho NATO mạnh hơn”, theo một thông báo của NATO hôm 4-11.
Hôm 3-11, trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ông Stoltenberg cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là quan trọng “nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga”.
Tất cả 30 quốc gia thành viên NATO ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã phê chuẩn việc gia nhập khối này của Thụy Điển và Phần Lan. Để trở thành thành viên NATO, các quốc gia ứng viên cần có sự chấp thuận của toàn bộ thành viên hiện hữu.