Ông già Mỹ tự nguyện “ở rể” Việt

Bên cái sinh phần xây kiên cố, người phụ nữ Việt chưa đến tuổi 40 và người Mỹ đã 73 tuổi rạng ngời nụ cười. Họ kể cho tôi nghe những năm tháng gặp gỡ và yêu nhau, rồi thành vợ thành chồng. 

Người Mỹ thầm lặng

Ông là Robert Podunavac, sinh năm 1936 tại Washington, Mỹ. Làm việc cho một cơ quan chuyên thiết lập bản đồ các vùng biển thế giới, ông có nhiều cơ hội chu du khắp nơi. Tuy cha mẹ có gốc Hy Lạp nhưng tuổi thơ ông lại gắn bó với nước Mỹ.

Robert chẳng ưa gì lối sống xô bồ, bạo lực xã hội, gia đình, tội ác khủng bố... có thể đến bất cứ lúc nào trên đất nước ông. Ông chọn châu Á làm đất lành để học hỏi, nghiên cứu lập phần mềm bản đồ vị trí biển Thái Bình Dương... Trước khi sang Việt Nam vào năm 2001, ông đã từng qua nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines...

Ông già Mỹ tự nguyện “ở rể” Việt ảnh 1

Robert và vợ trồng cây

Cuộc sống lang bạt đã làm cho con đường tình duyên của ông thêm rắc rối. Hai đời vợ đem lại cho ông quá nhiều đau khổ và phiền muộn. Người vợ sau của ông là một cảnh sát người Hàn Quốc. Công việc của vợ tất bật quá nên một tháng họ gặp nhau được vài lần. Cưới nhau chưa được bao lâu thì bất hạnh ập đến. Cha mẹ, anh ruột của vợ bị ung thư. Vợ ông đau khổ lao vào quán bar, vũ trường đến mức phải điều trị chứng nghiện rượu. Bị đuổi việc, bà đâm ra chán chường tuyệt vọng. Bà nghiện rượu chẳng khác gì nghiện ma túy. Tất cả tài sản quý trong nhà bà đều đem bán sạch để có rượu. Khuyên không được, ông đành đoạn phải chia tay. “Phải mất hai năm, tôi mới lấy lại thăng bằng cho chính mình” - Robert nhớ lại.

Tôi cố quan sát, cố đọc ra thế giới nội tâm mà Robert chưa tiện diễn đạt bằng ngôn ngữ với tôi. Robert có vầng trán rộng, dáng cao thong dỏng, đôi mắt buồn. Ông nói năng chậm rãi, từ tốn khiến tôi bị cuốn hút. Nhưng duyên cớ nào Robert ở lại và chọn người đàn bà Việt Nam đã từng có một đời chồng để bầu bạn trong những ngày tháng cuối đời? Người phụ nữ nửa chừng xuân nhìn ông ta với vẻ mãn nguyện và hạnh phúc. Họ nhắc lại kỷ niệm đẹp trong cuộc đời.

Gặp nhau giữa Sài Gòn

Chị Lữ Hà Thy Nhơn sinh ra và lớn lên trên đất Tam Lãnh (Phú Ninh, Quảng Nam). Cuộc sống vất vả của những năm 90 thế kỷ trước đã khiến chị phải rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Cũng thời điểm này, một cú sốc mạnh về tinh thần xảy ra: chia tay với người chồng, lầm lũi nuôi ba đứa con dại. Chị kể phải đem các vật dụng đi đổi để đong gạo nuôi con. Rồi chị thử một phen vào phương Nam kiếm sống.

Khởi đầu giữa chị và Robert rất lạ. Không người thân nương tựa, tiền mang theo chỉ tính theo ngày, nghe đâu nhận nuôi dạy trẻ là chị đến gõ cửa ngay. Lương ba cọc ba đồng chỉ đủ chạy vạy cho bữa ăn hằng ngày. Đêm nằm, chị âm thầm khóc một mình khi nghĩ đến các con dại ở nhà đói ăn khát uống. Thế là chị lao vào làm việc, nhận dạy tiếng Việt thêm cho khách nước ngoài. May mắn, chị gặp người “học trò” ngoại quốc đầu tiên và duy nhất là Robert.

Robert đến Sài Gòn để tìm hiểu thổ nhưỡng, văn hóa, nếp sống phong tục của người Việt. Ông từng sang Việt Nam trong chuyến công tác năm 1957. Yêu biển, chuộng hòa bình, ông ngưỡng mộ con người Việt Nam kiên cường trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Ông thường xuyên lên mạng tìm hiểu những đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng, kể cả ngôn ngữ Việt.

Chị Nhơn nói:  “Ổng sống có tình có nghĩa lắm. Biết hoàn cảnh của tôi, ổng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ. Lúc đầu, tôi áy náy khó xử nhưng biết ông thành thật nên không nỡ từ chối. Xúc động hơn, Robert ân cần hỏi han và quan tâm đặc biệt đến các con của tôi. Trong lúc cuộc đời tôi chới với như đắm tàu giữa biển khơi thì ổng như chiếc phao cứu sống. Đời tôi khổ nhiều, may mắn gặp ông già đáng yêu này...”.

Ông già Mỹ tự nguyện “ở rể” Việt ảnh 2

Bên sinh phần

Bên ngôi mồ xây mới khang trang, họ nói hết chuyện riêng tư như không hề sợ những lời dị nghị của thiên hạ. Gió chiều vi vu khoảnh rừng tràm. Tôi để ý, sau mỗi câu, một hồi tưởng nhớ, chị Nhơn lại liếc nhìn ông, nở nụ cười hài lòng. Có sợi dây nào buộc họ với nhau? Cái nghĩa thôi, chưa đủ. Tình yêu mới là sợi dây vô hình làm họ cảm thấy hạnh phúc. “Ông già này ghen dữ. Mỗi lần đi chợ hay thăm bà con xóm giềng, ổng đều nằng nặc theo. Ổng cưng tôi như trứng. Mọi việc trong nhà đều tự tay ổng cáng đáng hết”.

Nhìn hai con người lúc nào cũng quấn quýt bên nhau như lứa đôi thanh niên, dường như những thắc mắc, nghi ngại về “cuộc tình sân khấu” trong suy nghĩ lúc đầu của tôi đã bị xua tan. “Tôi nói với ổng: Đời tôi may mắn gặp ông, bởi ông đã kéo cuộc đời tôi ra khỏi những đau khổ. Nhưng ông cũng rất vui khi gặp tôi. Ông khỏi phải lo gì hết. Con người sống với nhau bằng cái nghĩa mà”.

Xin nằm lại trên mảnh đất lành

“Tại sao một người Mỹ như ông lại thích tìm về và xin nằm lại tại Việt Nam?”. Robert trầm ngâm bảo: Cái lẽ của đời là sống và chết ở nơi mình yêu thương nhất. Chỉ bên Nhơn, tôi mới thấy cuộc đời này thật đẹp, đáng trân trọng. Tôi sinh ra, lớn lên tại nước Mỹ nhưng ở đó lại chất chứa nỗi ám ảnh ly tan. Tôi không hề được bàn tay chăm sóc của mẹ, người thân hay bất cứ ai. Còn ở đây, Nhơn nấu cho tôi các món ăn ngon, lo cho tôi từng ly từng tý. Nếu chết, em vẫn còn nhớ đến tôi để mà thắp hương. Chứ ở Mỹ chết là thiêu.

Suy nghiệm của ông rất Việt Nam. Bao năm rày đây mai đó, ông không quên vào chùa niệm Phật. Thế là ông nhập tâm với những triết lý kinh Phật. Robert trọng vong linh, đam mê tìm tòi phong thủy, coi trọng nghi lễ cúng bái. Ông tỏ ra lo lắng khi chết không có ai thắp hương cho mình. Chị Nhơn đã xây sẵn cái sinh phần dành cho ông.

Chị Nhơn bảo mỗi ngày cúng giỗ ông bà, ông gọi mấy đứa con riêng của chị lại dạy cho nó cách vái, lạy, dạy chúng thành tâm khi cúng bái. Tôi thử rảo một vòng trong và ngoài ngôi nhà chị, phát hiện thêm nhà vẫn giữ dáng kiến trúc nhà cổ ba gian, bậc thang vào nhà theo ba cấp. Bàn thờ lúc nào cũng có  khói hương.

Robert chỉ tay vào nấm mồ, cười nói: “Nơi yên nghỉ cuối cùng của đời tôi đấy!”. Giải thích việc xây sinh phần cạnh góc nhà, ông cho rằng nếu con người chỉ lo phần xác khi còn sống mà không nghĩ đến phần hồn khi chết thì có lẽ nhân loại này đầy rẫy tội ác. “Tôi nhớ người Việt có câu rất hay để dạy con cháu là phải biết sống với người đã chết. Tôi đi nhiều nước nhưng thích nhất người Việt Nam vì họ quá thân thiện. Vùng đất Tam Lãnh cây xanh nhiều, tuyệt đẹp. Tôi sẽ sống vài chục năm nữa. Sau đó xin được vĩnh viễn nằm lại ở đây!” - Robert tâm sự.

Khi đặt chân lên đất Tam Lãnh, Robert bàn với chị Nhơn nghĩ ngay đến mô hình phát triển kinh tế trang trại. Ngôi nhà nhỏ của họ lúc nào cũng có tiếng gà, vịt, xung quanh là vườn cây tràm xanh bạt ngàn. Chị Nhơn nhẩm tính cứ mỗi năm nhận trồng hai hecta rừng thì khoảng hai mươi năm tới sẽ có bạc tỷ. Dự định của chị là ươm giống cây cau, cung cấp giống cho bà con nông dân. Chị đã thành lập công ty tư nhân, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh.

Ngoài việc giúp chị Nhơn làm ăn, Robert còn tích cực tham gia các phong trào đoàn thể xã hội tại địa phương, đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng trường học, nhà văn hóa. Ông luôn thân thiện, giúp đỡ bà con chòm xóm. Robert bày tỏ niềm ao ước:  “Đời tôi gian truân chìm nổi như Nhơn. Còn lại những ngày tháng cuối đời, chúng tôi cố xây dựng cơ ngơi đàng hoàng, một ít để lại cho con và đưa vào quỹ từ thiện nhân đạo. Làm được điều đó, tôi mới yên lòng nhắm mắt tại đây”.

TRẦN HỮU PHÚC

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm