Ông giáo 10 năm ‘dụ’ học sinh học nghề

Từ năm 2010 đến nay, ông đã tổ chức hàng ngàn buổi gặp gỡ, trò chuyện với học sinh (HS) và phụ huynh chủ đề hướng nghiệp lập thân. Ông còn đề nghị các trường THCS thiết kế giúp những buổi gặp HS có học lực trung bình trở xuống.

Một phụ huynh HS ở quận 8 sau buổi tư vấn, đã xin số điện thoại để gặp riêng ông bày tỏ băn khoăn: “Gia đình tôi có mỗi nó, tôi muốn nó vô ĐH, thầy lại xúi nó bỏ đi học nghề”. Ông kiên trì giải thích việc học nghề phù hợp với khả năng rất quan trọng để một thanh niên tự tin bước vào đời. Cuối cùng, HS này đã thuyết phục gia đình đồng ý để đi học nghề quản lý nhà hàng.

Khi em này ra trường, được giới thiệu nơi làm việc ngay, có mức lương cao, gia đình em đã gặp ông để cảm ơn.

Ông là Phạm Văn Vinh, Trưởng phòng Quảng bá và hợp tác, Trường Trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn (gọi tắt là Trường Trung cấp Nam Sài Gòn). Với những cống hiến cho ngành, ông vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Xót xa với thực trạng liên thông ngược

Một cử nhân ngành ngôn ngữ đã đăng ký học trung cấp sư phạm mầm non để xin vào một cơ sở mầm non tư thục làm việc, bày tỏ với ông Vinh: “Hồi em học THCS, THPT, có được tư vấn hướng nghiệp nhưng mang tinh thần khích lệ là chính. Nhà em ai cũng muốn con cái học ĐH. Em cũng nghĩ học ĐH dễ tìm việc làm hơn. Nếu được định hướng lại, chắc chắn em đi học nghề theo nhu cầu thị trường lao động”. Em này nay đã có việc làm với mức lương khá tốt ở một trường mầm non tư thục quận 7.

Theo thầy Vinh, trường hợp này không phải là cá biệt. Hiện có hàng trăm cử nhân ĐH đang học chương trình liên thông ngược tại Trường Trung cấp Nam Sài Gòn để đi xin việc.

Thầy Vinh trong một buổi tư vấn hướng nghiệp nghề cho học sinh. Ảnh: HM

Đưa câu chuyện này đến các trường THCS, thầy Vinh chia sẻ với các phụ huynh có con em học lực trung bình yếu: “Cử nhân ĐH, bằng khá còn khó xin việc như vậy. Con em chúng ta lực học không cao, các em nên chọn học nghề thay vì quyết tâm đi học ĐH. Xin đừng sính bằng cấp, làm khổ con em mình”.

Nhiều phụ huynh vẫn chưa đồng ý, bởi xem việc theo đuổi học vấn lên cao là “con đường vinh quang”, thầy Vinh kiên trì cung cấp thêm thông tin: Nhiều trường công đào tạo nghề của TP không thu học phí, mục đích phân luồng và đào tạo nghề cho HS. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, các em chỉ cần học thêm 1,5 năm nữa là có bằng trung cấp nghề, có thể đi làm kiếm tiền ngay. Nếu muốn tiếp tục học lên ĐH, các em chỉ cần học liên thông thêm ba năm nữa, rất tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với 16 năm dùi mài đèn sách từ bậc phổ thông đến hết ĐH, nếu may mắn sức học của các em không bị lưu ban. Với những thông tin đó, nhiều HS và phụ huynh đã bị thuyết phục và lựa chọn học nghề.

Thầy Vinh bày tỏ: “Việc hàng trăm, hàng ngàn cử nhân đi học nghề để có việc làm, gọi là liên thông ngược. Tôi tiếc cho công sức, tiền bạc các em đã bỏ ra. Nên tôi sẽ kiên trì hơn nữa, lăn xả hơn nữa việc hướng nghiệp cho HS bậc THCS”.

ĐH chỉ là một trong những con đường

ĐH là nơi đào tạo ra những chuyên ngành chuyên biệt phục vụ những công việc khác nhau theo nhu cầu của xã hội. ĐH chỉ là một con đường. Đã là con đường thì không có con đường nào là duy nhất, cũng không có con đường nào dễ nhất hay sang chảnh nhất. Các bạn phải xem lại mình có phương tiện gì, đi thế nào, rồi sẽ chọn đường đi phù hợp.

Giảng viên-ThS  TÔ NHI A 

“Con ông đi học nghề, ông chịu không?”

Thầy Vinh công tác tại trường 11 năm thì đã có thâm niên 10 năm miệt mài đến các trường THCS tư vấn hướng nghiệp. Mỗi năm thầy tiếp cận hơn 900 trường THCS, tư vấn cho hàng ngàn HS. Theo thầy, rào cản tâm lý khi chọn trường nghề không phải từ HS mà từ chính phụ huynh.

Có lần, khi trò chuyện với phụ huynh của các HS học lực trung bình yếu, một người bất ngờ hỏi thầy: “Con ông đi học trường nghề, ông chịu không?”. Thầy trả lời: “Tôi ủng hộ. Tại sao phải học ĐH khi lực học không phù hợp, nhu cầu lao động trên thị trường đã không còn thu hút?”.

Thầy cũng chỉ ra thực trạng nhiều HS trung bình yếu khi cố học lên lớp 10, tỉ lệ chán học, bỏ học rất cao vì các em bị đuối. Từ đó, nhiều em đâm chán nản, trốn học, sa đà vào chơi game. Phụ huynh, thầy cô có thể không hiểu được tâm lý các em, càng gây thêm áp lực. Nhiều phụ huynh khi nghe phân tích đã về suy nghĩ, sau đó đăng ký cho con đi học nghề theo năng lực, sở thích của con.

“TP định hướng đến năm 2020, phân luồng 30% HS sau khi hoàn thành bậc THCS sẽ đi học nghề. Nhưng công tác phân luồng và hướng nghiệp còn gian nan quá. Như năm học này, chỉ có khoảng 8% đi học trung cấp nghề. Tâm lý học lấy bằng cấp cao vẫn rất nặng nề. Ở nước ngoài, ví dụ như Đức, họ phân luồng 60% HS sau khi học xong THCS sẽ đi học nghề. Phụ huynh HS vẫn không hiểu được ý nghĩa của việc học nghề. Trong khi đó, nhiều em học lên rất vất vả, theo không nổi cũng bỏ dở hoặc học xong thì không xin được việc làm, quá lãng phí” - thầy Vinh trăn trở.

Những nghề dễ kiếm việc làm lương cao có thể kể đến là ngành mầm non, cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy, đầu bếp. Vừa qua, một HS tốt nghiệp ngành đầu bếp đã về thăm trường và chia sẻ với các em HS bậc THCS: “Không có ngành nghề nào cao quý hơn ngành nghề nào. Học ĐH hay học nghề cũng là để có một nghề nghiệp. Khi chúng ta có thể kiếm tiền từ công việc của mình, đó là điều quan trọng nhất. Tôi đã bỏ dở việc học ĐH để đi học ngành chế biến thức ăn. Lúc học ĐH, tới năm hai tôi vẫn chưa biết mình học ĐH để làm gì. Rất lãng phí”.

Thầy Vinh cho biết các nước phát triển khi tìm đến hợp tác lựa chọn thực tập sinh, họ rất quan tâm đến các nhóm ngành nghề như điều dưỡng, cơ khí. Đó là lý do HS các trường trung cấp có rất nhiều cơ hội. Vừa qua, thầy đã hoàn thành hồ sơ cho 25 HS đi thực tập tại Nhật Bản ngành điều dưỡng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới