Ông Hoàng Như Cương: Lấy mốc 20.000 tỉ thì QH sẽ họp suốt
Sáng 22-4, hội thảo góp ý cho dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), do Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức. Chủ trì hội thảo là bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó đoàn ĐBQH TP.HCM.
Ông Hoàng Như Cương, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đề nghị sửa Luật Đầu tư công theo hướng: những thay đổi mang tính khách quan như trượt giá, thay đổi tỉ giá mà không thay đổi qui mô hay mục tiêu thì không cần trình lại chủ trương đầu tư đối với dự án.
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) qui định việc sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỉ đồng trở lên, thì cần được Quốc hội quyết định.
Ông Hoàng Như Cương cho rằng, con số 20.000 tỉ đồng là rất nhỏ và chẳng là gì cả. “Nếu đưa ra mốc 20.000 tỉ này thì Quốc hội sẽ họp quanh năm suốt tháng vì không họp không bao giờ giải quyết được” – ông Cương nói và cho rằng trong tương lai sẽ có nhiều dự án lớn hơn mốc đó.
Đối với Ban Quản lý đường sắt đô thị, ông Cương khẳng định không có dự án đường sắt đô thị nào dưới 1 tỉ đô (khoảng 23.000 tỉ đồng). “Nếu theo tiêu chí này mà duyệt hết các dự án đường sắt đô thị thì không biết bao giờ mới xong, vì phải trình mất rất nhiều thời gian. Cho nên phải cân nhắc con số này” – ông Cương nói.
Khoản 5 điều 43 về điều chỉnh chương trình, dự án của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nêu rõ “Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án phải thực hiện thủ tục, trình tự quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định dự án…”
Ông Hoàng Như Cương cho rằng nếu thay đổi phải xin lại chủ trương đầu tư, tức là dự án từ nhóm A trở lên đều phải thông qua Quốc hội. Đây là điểm mà Ban Quản lý đường sắt đô thị đang bị vướng.
“Bây giờ trượt giá thì sao? Trượt giá một cái thì tăng vượt mức đầu tư cũ, buộc phải xin lại chủ trương đầu tư của Quốc hội. Lúc đó chắc chắn Quốc hội không nhận và cho rằng chỉ khi nào Hội đồng thẩm định quốc gia trình và Thủ tướng trình thì Quốc hội mới bàn. Thủ tướng lại nói phải có ý kiến Hội đồng thẩm định quốc gia. Đặc biệt với các dự án ODA đang triển khai thực hiện cùng với nhà thầu nước ngoài, với đối tác nước ngoài, người ta không chờ mình vì nếu chậm là người ta tính tiền. Người ta cứ gửi yêu cầu phải thanh toán tiền lãi, chi phí… Trong khi Quốc hội cứ theo qui định mà làm” – ông Cương nói và cho biết qui trình nhiều khi mất cả năm cũng không xong.
Từ đó, ông Cương đề nghị cần xem lại dự án Luật Đầu tư công. Trường hợp thay đổi quy mô, mục tiêu mới phải trình Quốc hội xin lại chủ trương đầu tư. “Còn nếu không thì không làm nổi. Một đồng cũng phải trình Quốc hội thì chết, không làm được đâu” – ông Cương nói.
Một vấn đề khác xuất phát từ thực tế mà ông Cương nêu ra là việc xác định nguồn vốn. Ông cho biết, hiện nay các dự án muốn được phê duyệt, muốn được chủ trương đầu tư phải xác định nguồn vốn (tư nhân, ngân sách nhà nước, ODA…). Trong khi các cơ quan nhà nước thông thường quan niệm nguồn vốn là phải đủ vốn.
“Riêng nguồn vốn ODA, các nhà tài trợ không bao giờ cam kết cho mình vay 100% vốn, ví dụ như một dự án 1 năm họ chỉ tài trợ cho mình 500 triệu thôi nhưng dự án này cần 1 tỉ. Họ nói chúng tôi sẽ xem nếu các anh làm tốt thì chúng tôi tiếp tục cho vay thêm” – ông Cương nói và cho biết sau đó họ vào kiểm tra, kiểm tra xong họ mới quyết định cho vay tiếp. Nếu chúng ta làm không tốt, có vấn đề họ rút lui.
“Đối với các cơ quan nhà nước thì phải đủ vốn mới phê duyệt dự án. Chắc chắn nguồn vốn ODA không bao giờ đủ được. Nếu không làm rõ khái niệm về nguồn vốn thì sẽ tắc hết” – ông Cương nói và liên hệ trực tiếp với dự án tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, hiện đang điều chỉnh vốn.
“Đang tăng vốn, chưa làm gì hết. Chỉ tính mỗi trượt giá là phải tăng vốn rồi. Bây giờ điều chỉnh, nếu phải xác định đủ vốn thì mới phê duyệt, như thế thì chúng tôi chịu thua vì nhà tài trợ chỉ hứa thôi, làm gì có chuyện cam kết đủ vốn. Vì nếu họ cam kết buộc họ phải theo” – ông Cương nói và đề nghị Chính phủ làm rõ khái niệm nguồn vốn.