Cho đến ngày 31-3, sau gần 9 năm khởi động, con đường từ Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy xi măng Tân Thắng (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) vẫn thi công dở dang.
Con đường vào Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng đang thi công dở dang.
Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng được Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là gần 5.000 tỉ đồng. Đây là dự án thu hút đầu tư trọng điểm của tỉnh Nghệ An.
Thế nhưng sau bảy năm thi công, con đường giao thông từ Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy xi măng Tân Thắng vẫn... chưa thông. Trong khi đó, dự kiến tháng 9-2019 nhà máy Xi măng Tân Thắng bắt đầu đi vào sản xuất.
Để xây dựng nhà máy, cán bộ, nhân viên và cả nhà thầu đang phải đi đường vòng.
Ông Trần Trọng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Thắng cho biết: “Dự án này vào là được ưu đãi của tỉnh Nghệ An đó là tỉnh sẽ đầu tư xây dựng con đường từ đường 36 vào Nhà máy là 7,3km. Rất nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhưng đến nay vẫn chưa có đường vào nhà máy.
Chúng tôi đã lắp đặt thiết bị được hơn 90% rồi. Chúng tôi xây dựng nhà máy gặp rất nhiều khó khăn, giải phóng mặt bằng rất khổ, đường vào nhà máy chưa xong, nước máy chưa có, đường điện riêng chưa có. Nhà thầu thi công đường dở dang phía trước công trình nhà máy khiến mưa xuống thành cái ao, đi vào thi công rất khổ. Do đường thi công chưa xong nên hệ thống nước máy chạy song song với đường cũng chưa thể thi công.
Chúng tôi phải khoan giếng, mua máy lọc nước để uống, để dùng. Trong khi nhà máy hoàn thành sớm và đi vào sản xuất sớm sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tăng nguồn thu ngân sách”.
Được biết, đường giao thông từ Khu công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy xi măng Tân Thắng dài 7,3 km đi qua xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu) và xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) có tổng mức đầu tư hơn 378 tỉ đồng. Nhà thầu thi công là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thành Công.
Ông Nguyễn Minh Hoạt, Phó Giám đốc Ban Quản lý xây dựng các dự án XDDD và KTHT Đô Thị, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: “Dự án con đường này khởi động từ 2010 và bắt đầu thi công từ 2012, nhưng có quá nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ chậm. Nguyên nhân chậm hoàn thành là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.
Hiện mặt bằng qua xã Tân Thắng mới bàn giao tháng 8-2018, còn ở xã Quỳnh Vinh còn một hộ đã nhận tiền song còn kiến nghị không chịu bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án.
Chúng tôi đã liên tục làm việc với thị xã Hoàng Mai- chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, nhưng hiện tại vẫn chưa giải quyết được. Nguồn vốn của dự án còn thiếu khoảng 120 tỉ đồng, trong khi mỗi năm chỉ cấp được 15 đến 20 tỉ đồng. Khi khởi động dự án vợ chồng tôi mới sinh con, đến nay con học lớp 2 rồi nhưng đường vẫn chưa hoàn thành”.
Theo ông Hoạt: “Chúng tôi cũng biết trong hiệu quả của dự án khi họ đã đầu tư là cần đưa vào khai thác càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu. Kèm theo đó là phát triển kinh tế vùng của xung quanh đó. Nhưng hiện ngân sách đầu tư đang hạn hẹp. Theo Luật đầu tư công không được gây nợ đọng, nên vốn cấp đến đâu nhà thầu thi công đến đó. Chúng tôi đang mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ để giải phóng mặt bằng xong và cấp vốn để sớm hoàn thành đường”.
Dự án nhà máy xi măng Tân Thắng đang gấp rút hoàn thành.
Cho đến nay, con đường trên đã thảm bê tông nhựa được hơn 4km và đang thi công thảm nhựa thêm 1km. Tuy nhiên, còn 1km vẫn chưa thông xe đường kỹ thuật.
Trong khi đó, ông Kiên cho biết: “Nhà máy chúng tôi trong tháng 9 này có thể vận hành, nhưng vận hành trong bối cảnh không có đường đi vào chúng tôi chưa biết vận chuyển sản phẩm bằng cách gì đây. Chúng tôi rất mệt. Chúng tôi mong muốn đoạn cần thiết nhất là ngay trước cổng nhà máy thì lại chưa thi công xong. Hiện chưa cần thảm nhựa mà cần chủ đầu tư thi công đào rải bây thông đoạn 2km đường còn lại để giải quyết đi lại.
Chúng tôi cần thông đường chưa cần thảm nhựa thì chủ đầu tư lại chưa làm được mà có vốn đầu tư lại thảm nhựa đoạn ngoài vào phục vụ cho nhà máy rác. Nếu thông tuyến, rải đá bây ở dưới mặt đường thì xe vận chuyển nguyên liệu vào và sản phẩm ra, chứ hiện nay làm không đúng bài”.
Theo ông Kiên, dự án chậm ngày nào thì phải trả lãi ngân hàng ngày đó, chủ đầu tư nhà máy rất khổ. Trong khi nhà máy xi măng sớm đi vào hoạt động có thể tăng nguồn thu cho tỉnh Nghệ An mỗi năm hàng trăm tỉ đồng.