Trong vài năm gần đây, bán thực phẩm tươi sống online trở nên phổ biến, đặc biệt từ khi dịch COVID-19 bùng phát đã tạo nên cú hích phát triển cho ngành thực phẩm tươi sống tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đơn cử, hệ thống siêu thị thông minh Hema của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba đã thu được nguồn lợi lớn từ COVID-19. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm, đặt hàng hóa online của người dân trước nỗi lo lây lan dịch bệnh, chuỗi siêu thị đã phải "vay" 3.000 nhân viên từ 40 chuỗi nhà hàng đối tác và cửa hàng bán lẻ đang tạm thời đóng cửa để mở rộng dịch vụ hậu cần.
Đây là hệ thống siêu thị được Jack Ma triển khai từ thuật ngữ "bán lẻ mới" do ông nghĩ ra, nghĩa là sự hợp nhất của bán lẻ truyền thống và TMĐT. Hệ thống này đạt mức doanh thu trung bình một ngày lên tới 800.000 nhân dân tệ, tương đương 116.000 USD. Trong đó, hệ thống thu được khoảng 60% là các đơn hàng trực tuyến.
Không đứng ngoài cuộc chơi, ông lớn Amazon cùng chuỗi siêu thị Whole Foods của mình cũng ghi nhận nhiều sự tăng trưởng trong mùa dịch. Whole Foods đã gặp tình trạng quá tải và hết hàng ở một số sản phẩm, dù trước đó Amazon tuyên bố họ sẽ thuê thêm 75.000 lao động, cũng như chuyển một cửa hàng tạp hóa Amazon ở California và Whole Food ở Manhattan lên kênh trực tuyến khi nhu cầu đặt hàng tăng cao.
Tại Singapore, tờ CNBC đưa tin, chợ trực tuyến RedMart, chuyên ngành hàng thực phẩm tươi sống và tạp hóa của sàn TMĐT Lazada đã ghi nhận nhiều sự bùng nổ về đơn hàng lên mức lớn chưa từng có tại nước này trong đợt dịch COVID-19. Lazada phải sớm tuyển thêm 500 nhân viên để đáp ứng số lượng đơn hàng chóng mặt.
Ông James Chang, CEO Lazada Singapore xác nhận người dùng "đang mua số lượng thực phẩm nhiều hơn gấp từ bốn đến mười lần". Sự tăng trưởng này cũng được ghi nhận tại Malaysia khi siêu thị của họ đã tiêu thụ đến 70 tấn rau củ chỉ trong 3 tuần.
Các đơn đặt hàng online về thực phẩm tươi sống gia tăng mạnh trong đợt dịch COVID-19 ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Lazada
Tại Việt Nam, sàn này cũng nhanh chóng cho ra mắt dịch vụ cung cấp "Thực phẩm tươi sống", giao nhanh trong 2 giờ khi dịch COVID-19 bùng phát và toàn dân thực hiện cách ly xã hội. Theo đó, nhiều doanh nghiệp uy tín như Meat Deli, Mega Việt Phát, Foodmap, Hiệp Nông chuyên cung cấp mặt hàng rau củ tươi, nông sản Việt, Lothamilk với mặt hàng sữa thanh, tiệt trùng… tham gia cung cấp các thực phẩm tươi sống trên Lazada.
Ngay sau đó, sàn Tiki cũng khởi động chương trình bán hàng "Tiki ngon", bắt tay với các nhà phân phối thuỷ hải sản, thực phẩm tươi sống... mở ngành hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Ngành hàng này trên Tiki đưa ra các tiêu chí như thực phẩm tươi ngon hàng ngày, đảm bảo nguồn gốc hàng ngày, giao hàng trong 3 giờ...
Ngay cả các hệ thống siêu thị bán lẻ như BigC, Co.opmart, Lotte Mart cũng không nằm ngoài cuộc chơi bán thực phẩm tươi sống online, khi họ nhận ra nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đang dần được mở rộng. Chưa kể, một loạt ứng dụng hoặc siêu ứng dụng khác như Be, Grab cũng triển khai thêm dịch vụ đi chợ hộ và nhận được phản hồi khá tốt.
Thực tế, theo ghi nhận thị trường, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các dịch vụ giao thực phẩm khô lẫn thực phẩm tươi sống, đi chợ hộ đã bùng nổ mạnh mẽ. Các nhà bán lẻ truyền thống không chỉ kết hợp với sàn TMĐT mà còn mở thêm các kênh bán hàng mới như thông qua điện thoại, Zalo, Facebook…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, đánh giá cao việc các doanh nghiệp và nhà bán lẻ đang dần chuyển đổi sang phương thức kinh doanh trực tuyến nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm khách hàng. "Chúng tôi đánh giá cao các sàn TMĐT mang đến những chương trình thiết thực, kịp thời nhằm hỗ trợ nhà bán hàng nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh năng động và hiệu quả này".
Một vị chuyên gia khác trong ngành TMĐT cũng nhận định, COVID-19 phần nào đó đã thúc đẩy sự phát triển của TMĐT, và mở thêm lối đi mới cho lĩnh vực thực phẩm tươi sống phát triển mạnh mẽ.