Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow sẽ “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc tấn công “các trung tâm ra quyết định” bên ngoài Ukraine nếu Kiev sử dụng tên lửa tầm xa nhận được từ Mỹ nhằm vào lãnh thổ Nga.
|
Ông Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS |
Ông Medvedev, cũng là cựu tổng thống Nga, đã đưa ra phát biểu trên trong một cuộc phỏng vấn với kênh Al Jazeera hôm 3-6, trong đó ông cũng viện dẫn “Những kỵ sĩ của Ngày tận thế”.
“Nếu những loại vũ khí này được sử dụng chống lại lãnh thổ Nga, các lực lượng vũ trang của đất nước chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài hành động để đánh bại các trung tâm ra quyết định” - ông nói, theo bản dịch của hãng thông tấn Nga TASS.
“Mọi người đều hiểu đây là loại trung tâm nào - đây là Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và bất cứ thứ gì khác. Nhưng bạn cần hiểu rằng các trung tâm ra quyết định cuối cùng trong trường hợp này, thật không may, thậm chí không nằm trên lãnh thổ của Kiev. Do đó, đây chắc chắn là một mối đe dọa sẽ cần phải được tính đến” – ông Medvedev nhấn mạnh.
Cảnh báo của ông Medvedev được đưa ra sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31-5 rằng Mỹ sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine, đảo ngược phát biểu một ngày trước đó.
Viết trên tờ The New York Times, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ “cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn để giúp họ tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine”.
Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng xác nhận rằng ông đang đề cập các hệ thống phóng tên lửa đa nòng (MLRS) mà các quan chức cho rằng có khả năng tiếp cận Nga nhưng không nhằm mục đích đó, đài NBC News đưa tin.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Ukraine đã đồng ý không sử dụng vũ khí có tầm bắn khoảng 70km để phóng tên lửa vào Nga.
Các phiên bản MLRS khác nhau có những tầm bắn khác nhau, từ khoảng 30 km đến 300 km.
Hôm 30-5, ông Biden đã bác bỏ việc trao cho Ukraine các tên lửa tầm xa. “Chúng tôi sẽ không gửi đến Ukraine các hệ thống tên lửa tấn công vào Nga”, Tổng thống Mỹ phát biểu tại Nhà Trắng.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã chỉ trích quyết định này, nói rằng việc không gửi tên lửa cho Ukraine là “sự phản bội” đối với Ukraine và “chính nền dân chủ”.
Bình luận về thông tin chính quyền Mỹ sau đó quyết định cung cấp hệ thống phóng tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS cho Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 1-6 cho biết việc Washington trang bị vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga.
Cũng trong ngày 1-6, các lực lượng hạt nhân Nga đã tổ chức các cuộc diễn tập ở phía đông bắc thủ đô Moscow.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay khoảng 1.000 binh sĩ Nga tham gia các cuộc diễn tập cường độ cao, sử dụng hơn 100 phương tiện bao gồm bệ phóng tên lửa xuyên lục địa Yars.