Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đã chỉ đích danh tám người đàn ông mà ông tin là chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc mình hồi tháng 8. Những người này là nhân viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và có kiến thức về hóa học hoặc y tế, theo đài RT.
Trong một diễn biến mới, báo Sunday Times của Anh cuối tuần qua đăng thông tin các điệp viên Nga đã nỗ lực ám sát ông Navalny lần thứ hai trước khi ông được đưa tới thủ đô Berlin của Đức để chữa trị.
Ông Navalny chỉ mặt đặt tên tám người tham gia đầu độc mình
“Tôi biết ai muốn giết tôi. Tôi biết họ sống ở đâu. Tôi biết nơi họ làm việc. Tôi biết tên thật của họ. Tôi cũng biết tên giả của họ. Tôi có ảnh của họ” – ông Navalny viết trên blog cá nhân hôm 14-12.
Theo ông Navalny, trong số tám nghi phạm trên, ba người có tên Alexey Alexandrov, Ivan Osipov và Vladimir Panyaev đã theo dõi ông tới TP Tomsk (vùng Siberia), nơi ông được cho bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny tại trụ sở Quỹ chống tham nhũng của ông ở Moscow hồi năm ngoái. Ảnh: CNN
Cuộc điều tra do trang tin The Insider (tiếng Nga) cùng với đài CNN (Mỹ), báo Der Spiegel (Đức) và trang web điều tra Bellingcat thực hiện kết luận rằng FSB bắt đầu theo dõi ông Navalny từ năm 2017 sau khi ông thông báo ý định tranh cử tổng thống Nga.
Dựa vào hồ sơ điện thoại, vé máy bay và những dự liệu khác mà Bellingcat thu thập được, họ đi đến kết luận rằng các đặc vụ có chuyên môn cao đã theo dõi ông Navalny trong ít nhất 37 chuyến đi khác nhau. Hoạt động cuối cùng đã kết thúc với việc ông Navalny bị đầu độc tại Tomsk hôm 20-8.
Nhóm điều tra còn tiết lộ ông Navalny bị theo dõi trong chuyến đi tới lãnh thổ Kaliningrad hồi tháng 7, khi cô Yulia – vợ ông ngã bệnh. Nhân vật đối lập Nga sau này nghi ngờ vợ mình phát bệnh là do chất độc Novichok – loại chất độc thần kinh chết người nhất trên thế giới.
Bên cạnh điểm tên những cá nhân mà ông tin có tham gia vụ ám hại mình, ông Navalny còn viết chi tết về một số chuyến đi mà ông tin mình đã bị theo dõi. Ví dụ, theo hồ sơ đi lại được công bố hôm 14-12, tháng 3-2017, ông bị hai sĩ quan FSB có tên Krivoshchekov và Alexey Aleksandrov theo dõi trong các chuyến đi tới bốn TP khác nhau trong bốn ngày.
Ông Navalny sau đó kết luận rằng một sự thật không thể chối cãi là vụ đầu độc ông là một hoạt động của chính phủ.
“Cả một bộ phận FSB, dưới sự lãnh đạo của các quan chức cấp cao đã tiến hành một chiến dịch trong hai năm, trong thời gian đó họ đã nhiều lần cố giết tôi và gia đình tôi bằng cách nhận vũ khí hóa học từ một phóng thí nghiệm bí mật của nhà nước” – nhà hoạt động chính trị 44 tuổi viết.
Trực tiếp hơn, ông Navalny đặc biệt chỉ đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin là người đã ra lệnh hạ độc ông vì ông cho rằng người đứng đầu FSB Alexander Bortnikov sẽ không thực hiện hành động như vậy nếu không có sự đồng ý của Tổng thống Putin.
“Tìm trong từ điển và đọc định nghĩa về “khủng bố nhà nước”. Đây chính là như vậy. Những vụ giết hại công dân bất hợp pháp và không có xét xử hay điều tra” – ông viết.
Ông Navalny nhiều lần bị bắt và kết tội tham ô. Ảnh: CNN
“Và giờ đây các bạn biết chắc rằng vụ này sẽ không được tiết lộ chính thức. Bằng không, một nửa dàn lãnh đạo FSB sẽ phải ngồi tù và ông Putin đã ra lệnh cho họ” – ông Navalny viết.
Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận mọi liên quan trong vụ ám hại ông Navanly. Ngay chính Tổng thống Putin đã nói ông đích thân yêu cầu công tố viên Nga cho phép ông Navalny tới Đức để điều trị hồi tháng 8.
Hôm 20-8, ông Navalny phát bệnh trên chuyến bay từ TP Tomsk về thủ đô Moscow. Máy bay hạ cánh khẩn tại Omsk (vùng Siberia) và ông được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng hôn mê. Sau yêu cầu của người nhà và cộng sự, ông được đưa tới bệnh viện Charité (Đức) để tiếp tục điều trị.
Ngay sau khi đến Đức, các bác sĩ tại đây thông báo ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Các bác sĩ Nga phủ nhận chuyện ông Navalny bị đầu độc, thay vào đó cho rằng tình trạng ông Navalny như vậy là do giảm lượng đường trong máu. Hôm 23-9, nhân vật đối lập Nga được xuất viện.
Báo Anh: Ông Navalny bị đầu độc hai lần trước khi tới Đức chữa trị
Cuối tuần qua, báo Sunday Times của Anh đăng thông tin các điệp viên Nga đã nỗ lực ám sát ông Navalny lần thứ hai trước khi ông được đưa tới Berlin chữa trị.
Dẫn lời các quan chức tình báo giấu tên, Sunday Times viết rằng ông Navalny bị đầu độc hai lần. Lần thứ nhất tại phòng khách sạn thông qua quần áo của ông (thay vì chai nước như các báo cáo trước đó), và lần thứ hai là tại bệnh viện Omsk – nơi ông được điều trị ban đầu.
Phòng 239 tại khách sạn Xander ở TP Tomsk (vùng Siberia), nơi ông Navalny đã lưu lại trong chuyến đi tới đây. Ảnh: Svetlana Samsonova/SPUTNIK
Sunday Times cho hay nhân viên tại bệnh viện Omsk đã cho phép các thành viên của FSB đi vào phòng bệnh của ông Navalny. Các nguồn tin nói rằng những quan chức Nga đã tiêm cho ông liều Novichok thứ hai sau khi ông Navalny có vẻ sẽ phục hồi sau vụ đầu độc thứ nhất.
Sunday Times cáo buộc lực lượng an ninh Nga có lẽ đã tác động bác sĩ chữa trị cho ông Navalny ở Omsk. Người này sau đó thông báo ông Navalny bị rối loạn chuyển hóa chứ không phải bị đầu độc.
Các nguồn tin an ninh tin rằng thủ phạm đã lợi dụng cơ hội này để tiến hành vụ đầu độc thứ hai.
“Mục đích làm như vậy là khiến ông ấy chết trước khi đến Berlin” – Sunday Times dẫn lời một nguồn tin.
Người ta cho rằng thuốc giải độc có thể đã cứu mạng ông Navalny trong vụ đầu độc thứ hai.
“Thuốc Atropine đã cứu mạng ông ấy” – cựu Chỉ huy Trung đoàn Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân của Quân đội Anh – ông Hamish de Bretton-Gordon nói với Sunday Times.
“Chất độc thần kinh gây ra suy chức năng đa tạng. Phổi bị ảnh hưởng trước và bạn chết. Nếu được sử dụng kịp thời thì Atropine đảo ngược hậu quả” – ông nói tiếp.
Đáp trả thông tin đăng trên Sunday Times, trưởng khoa chất độc tại bệnh viện Omsk – ông Alexander Sabaev phủ nhận chuyện người ngoài đã tiếp cận ông Navalny. Ông Sabaev nói thông tin của Sunday Times là tin giả và là câu chuyện bịa đặt.
“Không ai ngoại trừ các chuyên gia y tế được tiếp cận giường bệnh của ông Navalny. Đây đều là hư cấu từ đầu đến cuối. Chẳng có vụ đầu độc nào ở đây cả, nên sẽ không có vụ thứ nhất, thứ hai. Đây là những tin giả” – ông Sabaev nhấn mạnh.