Ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước

Sáng nay, 5-4, với 100% số ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã bầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, kế nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đã được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ này hôm 2-4.

Sau khi Quốc hội công bố kết quả và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội. Hai lần trước, ông tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng.

Ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu tân Thủ tướng Chính phủ. Người được giới thiệu vào cương vị này là ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: CTV

Chiều nay, 5-4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức sau khi Quốc hội bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết về việc này.

Ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958 tại Thanh Hóa. Ông khởi đầu sự nghiệm từ ngành công an. Sau đó, ông học tập, công tác cả trong và ngoài nước. Ông có học vị Tiến sĩ và học hàm Phó Giáo sư.

Ông Phạm Minh Chính đã kinh qua các chức vụ như: bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Romania, chuyên viên cấp cao Văn phòng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cầu kỹ thuật (Bộ Công an), Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, ông Phạm Minh Chính là ủy viên Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Hiện ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng Ban tổ chức Trung ương. 

 

Hiến pháp 2013 quy định Chủ tịch nước như thế nào?

Điều 86  

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Điều 87  

Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước. 

Điều 88  

Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

2. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; 

3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;  

4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; 

5. Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;  

6. Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước. 

Điều 89  

1. Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn.  

Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

2. Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Điều 90  

Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ.

Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Điều 91  

Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới