Chiều 21-2, đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có buổi khảo sát sau 15 năm thực hiện nghị quyết tại TP.HCM.
Đoàn do Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thành viên ban chỉ đạo, Trưởng đoàn công tác làm trưởng đoàn. Tiếp đoàn có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Đoàn khảo sát làm việc với TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, TP cần nhận thức toàn diện hơn nữa về việc thu hút đội ngũ trí thức một cách toàn diện hơn để có chủ trương trong hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện.
Ông nhìn nhận, TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội; không chỉ của cả nước mà của cả khu vực. Vì vậy, phát triển TP phải dựa trên nền kinh tế tri thức.
“Trong đó, đội ngũ trí thức là lực lượng quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nhìn ở quá trình lập pháp, hành pháp thì đội ngũ này đóng góp rất nhiều”- ông Mãi nhấn mạnh.
Ông dẫn câu chuyện TP.HCM lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Đất đai, đội ngũ trí thức đã tích cực góp ý kiến, kể cả việc hình thành các chủ trương từ nghị quyết của đảng bộ TP, nghị quyết chuyên đề của Thành ủy.
“Quá trình điều hành công việc của TP trong đợt dịch vừa qua, nếu không phải là sự tiếp thu, rồi sau đó là điều chỉnh, điều hành theo ý kiến của người dân, doanh nghiệp, tri thức thì thiệt hại có lẽ sẽ nặng hơn”- ông Mãi nói và khẳng định TP giữ được vị trí dẫn đầu về nhiều mặt là nhờ có sự đóng góp của đội ngũ trí thức.
Dù vậy, người đứng đầu chính quyền TP thừa nhận so với tiềm năng của TP thì TP chưa làm tốt vai trò kết nối đội ngũ trí thức vào công cuộc xây dựng sự phát triển của TP.
“Đội ngũ trí thức đã được huy động đầy đủ, kịp thời vào công cuộc xây dựng, phát triển TP chưa?”- ông Mãi nêu vấn đề mà TP cần phải khắc phục.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói TP chưa làm tốt việc kết nối đội ngũ trí thức. Ảnh: THANH THÙY |
Để việc thu hút đội ngũ trí thức thật sự có hiệu quả, ông cho biết tới đây, TP sẽ đề ra chương trình đột phá, trọng điểm. Từ đó, TP sẽ huy động đội ngũ trí thức tham gia vào giải bài toán lớn của TP từ các chương trình, đề án.
Đồng thời, TP cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để chăm lo cho đội ngũ trí thức.
“Quan trọng hơn là cơ chế để họ có thể làm việc ở tại TP. Kể cả người đang sống và làm việc tại TP, ở ngoài TP và ở nước ngoài muốn tham gia thì TP cũng sẽ có cơ chế. Cạnh đó là chính sách nhà ở, tiền lương cho đội ngũ”- ông Mãi nói và cho biết, TP cũng đang dự thảo về nội dung này trong nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54.
Với các vấn đề thuộc thẩm quyền TP, ông Mãi nói sẽ tiếp thu, triển khai để có hiệu quả thiết thực nhất.
“Những đầu bài lớn TP cần phải giải thì quy tụ tri thức vào”- Chủ tịch UBND TP.HCM nêu quan điểm.
Ghi nhận những kết quả mà TP.HCM đã làm được, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Trưởng đoàn công tác cho biết là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, hoàn chỉnh đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết ghi nhận các đề xuất của TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY |
Với những điểm nghẽn, khó khăn cản trở trong quá trình thu hút đội ngũ trí thức của TP.HCM, ông cho biết đoàn sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến mà TP.HCM đã đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, sau 15 năm, đội ngũ cán bộ KHCN trên địa bàn TP không ngừng tăng về lực lượng và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng.
TP.HCM hiện 21.210 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KHCN. Trong đó, bao gồm 118 giáo sư, 1.116 phó giáo sư, 6.870 tiến sĩ. Đến nay, TP có 371 tổ chức KHCN, 78 viện nghiên cứu, 109 trường đại học- cao đẳng; trên 135 nhóm nghiên cứu và hợp tác quốc tế…
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tiến sĩ là 817 người, trình độ thạc sĩ là 10.191 người, 82.654 người có trình độ đại học, 12.807 người có trình độ cao đẳng…
Nhiều năm qua, TP đã chủ động trong việc hình thành một số cơ chế mới trong quản lý khoa học và phát triển công nghệ, có cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội.
Nhiều đề tài đặt hàng nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề nóng của TP, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.