Tuy nhiên, thực tế cũng không ít người bị hại bỏ qua, không trình báo công an với tâm lý “của đi thay người”, hoặc cho rằng có trình báo thì cũng chẳng có hy vọng, nhất là bị móc túi, cướp giật trên đường phố.
Nếu chỉ căn cứ vào các dấu hiệu khách quan của tội không tố giác tội phạm thì mọi công dân, không trừ một ai (kể cả người bị hại) đều phải có nghĩa vụ trình báo với cơ quan chức năng. Nhưng BLHS cũng quy định một số tội chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại như tội hiếp dâm, tội cố ý gây thương tích, tội vu khống…
Về lý luận, tội phạm là một thể thống nhất giữa hành vi khách quan và ý chí chủ quan xâm phạm đến các lợi ích được luật hình sự bảo vệ. Tội không tố giác tội phạm là tội xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Thời điểm hoàn thành của tội phạm này tính từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu chủ thể của tội phạm này là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.
Với ông Lê Hoàng Phong, khi xảy ra vụ cướp, ông chỉ biết mình bị cướp chứ không biết rõ ai cướp xe của mình. Chỉ khi công an huyện điều tra, tạm giữ hai đối tượng thông báo tìm nạn nhân thì ông mới biết thủ phạm. Mặt khác, theo Thông tư liên tịch số 06/2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và VKSND Tối cao thì tố giác tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng… Ông Phong không biết rõ ai đã cướp xe của mình nên không tố giác, nên nếu không thuộc trường hợp buộc phải tố giác thì việc không tố giác của ông còn là quyền. Khi ông không thực hiện quyền thì cũng không phát sinh nghĩa vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật quy buộc phải tố giác.
Do Điều 314 BLHS không quy định: “Người nào không phải là người bị hại biết rõ một trong các tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác…” nhưng không vì thế mà cho rằng người bị hại biết rõ tội phạm được xảy ra đối với mình mà không tố giác là hành vi phạm luật.
Nếu xét về “tinh thần” đấu tranh phòng, chống tội phạm thì người bị hại không tố giác sẽ xâm phạm đến quyền và lợi ích của chính mình, thể hiện sự tiêu cực, nếu không nói là cực đoan. Nhưng xã hội cũng chẳng lên án họ chỉ vì họ là người bị hại. Tuy nhiên, người dân cần chủ động phát hiện, tố cáo tội phạm khi bản thân mình hoặc người khác bị xâm phạm. Còn nếu vì một lý do nào đó mà người không tố giác tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cũng không nên coi đó là phạm luật hoặc là hành vi cấu thành tội phạm để truy cứu họ, trừ trường hợp pháp luật buộc phải tố cáo. Cho nên hành vi của ông Phong không vi phạm luật, càng không nên xử lý hành chính hay kỷ luật.
Nhân vụ việc này, thiết nghĩ để người dân yên tâm thì Quốc hội nên quy định cụ thể hơn trường hợp nào thì người bị hại không tố giác tội phạm thì coi là hành vi phạm tội.