Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 20-8 cho biết Mỹ ủng hộ các cuộc kiểm tra quốc tế độc lập về “những khuất tất” trong cuộc bầu cử tổng thống của Belarus, đồng thời ngầm cảnh báo Nga không nên can thiệp vào cuộc khủng hoảng.
Phát biểu của ông Pompeo là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Mỹ kể từ khi lực lượng an ninh của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bắt đầu hành xử mạnh tay với những người xuống đường biểu tình phản đối cuộc bỏ phiếu ngày 9-8.
Ông Lukashenko đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ để đảm bảo 26 năm cầm quyền của ông. Nga, nước có các hiệp ước quốc gia liên minh và an ninh tập thể với Belarus, đã kêu gọi các nước bên ngoài không can dự vào cuộc khủng hoảng, mà theo họ là nên được giải quyết nội bộ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP
Ông Pompeo, người đã có các cuộc trao đổi với ông Lukashenko tại thủ đô Minsk hồi tháng 2 về việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Belarus, đã ngầm cảnh báo Nga - nhưng không nêu tên - là nên đứng ngoài cuộc khủng hoảng lớn nhất của Belarus kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
“Chúng tôi duy trì cam kết lâu dài của mình trong việc ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Belarus cũng như nguyện vọng của người dân Belarus trong việc chọn nhà lãnh đạo và chọn con đường riêng của mình, không bị can thiệp từ bên ngoài” – ông nói, nhưng không nói rõ Washington sẽ phản ứng như thế nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18-8 cho biết ông sẵn sàng thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Belarus với Tổng thống Nga Vladimir Putin “vào thời điểm thích hợp”.
Ông Pompeo hồi tuần trước cho biết Mỹ có thể xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Belarus liên quan đến việc trấn áp các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử, điều mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện hôm 19-8.
Phe đối lập tuyên bố ứng cử viên của họ, cựu giáo viên tiếng Anh Sviatlana Tsikhanouskaya, đã thắng cử. Bà đã chạy sang nước láng giềng Lithuania lánh nạn sau khi chính quyền Belarus bắt đầu trấn áp biểu tình.
Bà và các nhân vật đối lập khác đã thành lập một hội đồng điều phối để đàm phán về khả năng chuyển giao quyền lực, nhưng chính phủ Belarus hôm 20-8 đã khởi động một vụ án hình sự chống lại phe đối lập, cáo buộc đây là một nỗ lực bất hợp pháp nhằm tiếm quyền.
Lên án hành động bạo lực chống lại những người biểu tình và kêu gọi trả tự do ngay lập tức “những người bị giam giữ bất công”, ông Pompeo nhấn mạnh Washington ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm “điều tra những khuất tất trong bầu cử, các vi phạm về nhân quyền xung quanh cuộc bầu cử và chiến dịch trấn áp sau đó đối với các cuộc biểu tình.
Hôm 20-8, Hội đồng Điều phối của phe đối lập Belarus tuyên bố sẵn sàng tiếp xúc với Nga để “công khai lập trường”. Ông Pavel Latushko, một thành viên của Hội đồng Điều phối của phe đối lập từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa Belarus từ năm 2009 đến năm 2012, nói với hãng thông tấn TASS rằng phe đối lập “không có kế hoạch” thay đổi quan hệ với Nga nhưng muốn tăng cường hợp tác với EU.
Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 18-8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng cuộc bầu cử ở Belarus “không hoàn hảo”, đồng thời nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo ở Minsk đã thừa nhận điều đó. Ông cũng bày tỏ hy vọng Belarus sẽ có thể giải quyết các vấn đề mà nước này đang phải đối mặt.
Belarus đã tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 9-8. Kết quả chính thức cho thấy ông Lukashenko đã giành được nhiệm kỳ thứ sáu với 80% số phiếu bầu, nhưng hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường trên khắp Belarus để phản đối việc ông tái đắc cử.
Đối thủ hàng đầu của ông Lukashenko, cựu giáo viên tiếng Anh Tsikhanouskaya chỉ giành được 10% phiếu bầu. Tuy nhiên, bà này cho rằng cuộc bỏ phiếu là gian lận và yêu cầu kiểm phiếu lại.