Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi những tuyên bố gần đây của Ukraine về việc phát triển vũ khí hạt nhân là một hành động khiêu khích, hãng thông tấn TASS đưa tin.
“Đây là một hành động khiêu khích nguy hiểm vì, tất nhiên, bất kỳ bước đi nào theo hướng này cũng sẽ phải đối mặt với phản ứng thích đáng” – ông Putin nói trong cuộc họp với đại điện các hãng truyền thông hàng đầu của các nước BRICS hôm 18-10.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng Moscow có thể theo dõi bất kỳ động thái nào hướng tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Kiev, có nghĩa là một chương trình hạt nhân, nếu có, có Ukraine sẽ là “không thể che giấu được” trước Nga.
Câu hỏi về khả năng Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân nổi lên sau phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 17-10 rằng: “Hoặc là Ukraine sẽ có vũ khí hạt nhân để bảo vệ, hoặc phải là một phần của một liên minh nào đó”, cụ thể là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, ngay trong cùng ngày, ông Zelensky đã đính chính rằng trong hai phương án trên, Ukraine muốn gia nhập NATO chứ không phải theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân và Kiev cũng “không chuẩn bị chế tạo vũ khí hạt nhân”.
Chuyên gia Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (có trụ sở tại Mỹ), cho rằng Ukraine không có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, theo TASS.
Ông Kimball cho rằng Ukraine là “thành viên có uy tín của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân” và “không có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân vào thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai”.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường là “cực kỳ nguy hiểm, không cân xứng, bất hợp pháp”.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 18-10, ông Putin đổ lỗi các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã gây ra chiến sự ở Ukraine như hiện nay. Theo đó, nguồn cơn của “toàn bộ cuộc khủng hoảng” xuất phát từ những biến cố chính trị năm 2014 ở Ukraine, mà theo Nga, có sự “tổ chức hoặc hỗ trợ” của phương Tây.
Ông Putin cũng chỉ trích Mỹ đang gây căng thẳng trên thế giới bằng cách triển khai vũ khí ở châu Á, các quốc gia trong khu vực, gồm cả Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Putin nhắc lại lập trường của Nga về việc sẵn sàng đối thoại và mong muốn giải quyết càng sớm càng tốt xung đột ở Ukraine một cách hòa bình để giải quyết một “yếu tố gây khó chịu” trong các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên, Nga chỉ chấp nhận đàm phán trên cơ sở những gì Moscow và Kiev đã thoả thuận ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trong những tuần đầu sau khi Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Hôm 5-7, ông Putin đã tuyên bố rằng “các thoả thuận ở Istanbul vẫn chưa bị huỷ bỏ” và lưu ý rằng những điều khoản này đã được “trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine ký tắt” trước khi Kiev từ bỏ đàm phán.