Ông Putin công nhận Donetsk và Luhansk, ngạc nhiên nhưng không bất ngờ

Tối 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ở Donbass (đông Ukraine) là hai quốc gia độc lập và yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với hai thực thể này, theo đài RT. Ông Putin nói rằng Nga đi đến bước này là vì sự thất bại trong việc thực thi các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ở Donbass (đông Ukraine) là hai quốc gia độc lập, tối 21-2. Ảnh: SPUTNIK

Kèm theo sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk, ông Putin còn ra chỉ thị cho Bộ Quốc phòng Nga đưa quân đến hai khu vực này để "gìn giữ hòa bình".

Giới quan sát nhận định đây là bước đi có phần ngạc nhiên của phía Nga và ông Putin, nhưng lại không bất ngờ.

Bước đi ngạc nhiên

Sở dĩ nói đây là bước đi có phần ngạc nhiên từ phía Nga vì nó không nằm trong xu hướng chung của các diễn biến, phát ngôn, đánh giá từ các bên liên quan xung quanh tình hình Nga-Ukraine.

Hãng tin Bloomberg ngày 20-2 dẫn một số nguồn tin quan chức Mỹ nói phía Mỹ đã chia sẻ với các đồng minh thông tin tình báo về 3 TP mà Nga sẽ nhắm đến một khi kích hoạt tấn công vào Ukraine. 3 mục tiêu này là TP Kharkiv ở phía đông bắc, TP Odessa và Kherson ở phía nam Ukraine, không có Donetsk và Luhansk.

Cùng ngày 20-2, hãng tin NBC News dẫn lời hai quan chức Mỹ và một nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ tiết lộ rằng Mỹ có thông tin tình báo cho thấy chính quyền Nga đã ra lệnh cho các chỉ huy quân đội tấn công Ukraine. Thông tin tình báo về chỉ đạo đối với các chỉ huy chiến thuật và đặc vụ tình báo là một trong số các chỉ số mà Mỹ đang theo dõi để đánh giá liệu quá trình chuẩn bị của Nga đã bước vào giai đoạn cuối cho một cuộc tấn công tiềm tàng hay chưa.

Người dân Donetsk đổ ra đường ăn mừng tối 21-2, sau khi Nga công nhận khu vực ly khai này là quốc gia độc lập. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 20-2 cũng nói chắc rằng Nga sẽ tấn công Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 19-2 cũng nói rằng Nga bắt đầu triển khai vào đúng tư thế và đã sẵn sàng tấn công.Trước đó, hôm 18-2 Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông Putin đã quyết định tấn công Ukraine, bao gồm việc tấn công Kiev và điều này có thể xảy ra trong vài ngày tới.

Cũng Bloomberg mới hôm 20-2 còn đưa thông tin từ phía Pháp rằng ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý sẽ gặp nhau bàn cách xuống thang căng thẳng xung quanh Ukraine, nhờ cầu nối là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Thậm chí Pháp còn thông báo thêm rằng nội dung họp sẽ được chuẩn bị trước trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 24-2 tới. Phía Nhà Trắng cũng xác nhận rằng ông Biden đã chấp nhận tham gia cuộc họp, với điều kiện Nga không tấn công Ukraine.

Riêng về phần Pháp và Nga, Điện Elysee cho biết trong cuộc điện đàm ngày 20-2 ông Macron và ông Putin đã đồng ý thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine.

Theo đó, các bên sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ định dạng Normandy – tức các cuộc đàm phán giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine được tổ chức vào năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, nhằm mục đích tìm giải pháp hòa bình cho xung đột. Điện Elysee còn cho biết ý ông Macron là những biện pháp khẩn cấp để xử lý cuộc khủng hoảng sẽ có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm châu Âu và các nước đồng minh, cùng với Nga và Ukraine.

Cũng theo Điện Elysee, ông Macron và ông Putin còn quyết định sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên với Ukraine “trong vài giờ tới” để “có được cam kết từ tất cả các bên liên quan” về một thỏa thuận ngừng bắn.

Không bất ngờ

Với các diễn biến và đánh giá ở trên, có thể nói bước đi mới nhất từ Nga dù có phần gây ngạc nhiên nhưng lại không bất ngờ, nếu suy xét kỹ hơn thái độ từ phía Nga cũng như nhận định gần đây từ giới quan sát.

Trao đổi với NBC News ngày 20-2, các nguồn tin quan chức Mỹ dù nói thông tin tình báo Mỹ cho thấy chính quyền Nga đã ra lệnh cho các chỉ huy quân đội tấn công Ukraine nhưng cũng nói rằng lệnh tấn công từ phía Nga luôn có thể bị rút lại hoặc đó có thể là thông tin giả nhằm gây xáo trộn và đánh lừa Mỹ cùng các đồng minh.

Nguồn tin quan chức Mỹ cũng thừa nhận với Bloomberg rằng phía Mỹ không có cách nào để biết chắc rốt cục ông Putin sẽ quyết định làm gì, và thậm chí nếu có quyết định thì điều này có thay đổi hay không.

Trong khi Điện Elysee nói rằng ông Macron và ông Putin đồng ý thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong đó có việc sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ định dạng Normandy để ngăn chặn căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine, thì Điện Kremlin cho biết ông Putin lưu ý với ông Macron rằng “các hành động khiêu khích từ phía binh sĩ Ukraine là lý do dẫn đến sự leo thang”.

Ông Putin phàn nàn rằng việc "Ukraine gia tăng các cuộc tấn công ở Donbass" đã khiến người dân ở khu vực ly khai phải di tản sang Nga.

Ông Putin cũng nhắc đến việc “các thành viên NATO gửi vũ khí và đạn dược tới Ukraine” và Nga nhận thấy những hành động này đang "khuyến khích Kiev theo đuổi một giải pháp quân sự cho vấn đề ở Donbass”.

Hạ viện Nga tuần trước đã thông qua đề xuất kêu gọi ông Putin chính thức công nhận hai thực thể CHND Donetsk và CHND Luhansk là các nhà nước độc lập tách ra từ vùng Donbass ở đông Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nêu lý do là phía chính quyền Kiev không tuân thủ hai thỏa thuận Minsk đã ký kết với Nga các năm 2014 và 2015, đe dọa an ninh của cộng đồng người Nga tại đây và Moscow cần phải can thiệp nhanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trên truyền hình sáng sớm 22-2, lên án Nga vi phạm các thỏa thuận Minsk khi công nhận Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập. Ảnh: VĂN PHÒNG TỒNG THỐNG UKRAINE

Một diễn biến đáng chú ý nữa, theo hãng tin Reuters ngày 19-2, Tổng thư ký khối quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu – ông Stanislav Zas cho biết khối này có thể gửi lực lượng gìn giữ hoà bình tới đông Ukraine.

Khả năng Nga công nhận Donetsk và Luhansk là các nhà nước độc lập và sau đó đưa quân vào đông Ukraine đã được giới quan sát nhắc đến trước đó. Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy, chuyên gia Eugene Chausovsky thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách Newlines (Mỹ) nhận định hành động của Nga có thể sẽ “hơi khác so với những gì phương Tây đang hình dung”.

Trong bài viết, chuyên gia Chausovsky đã phân tích rằng một khi Nga công nhận CHND Donetsk và CHND Luhansk là các nhà nước độc lập thì về mặt lý thuyết chuyện Nga đưa quân vào 2 khu vực này - với lý do bảo vệ công dân Nga - sẽ khá đơn giản, vì chỉ cần sự cho phép của hai chính quyền Donetsk và Luhansk vốn thân Nga.

Và theo ông, nếu Nga sau đó vẫn còn ý định có hành động quân sự nhằm vào Ukraine thì sẽ dễ dàng hơn bởi lằn ranh đã được di dời từ biên giới Nga - Ukraine vào biên giới giữa Ukraine và các vùng ly khai. Nga hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu quân sự của mình mà vẫn có thể tuyên bố mình không lấn vào lãnh thổ của Ukraine mà chỉ can thiệp theo đề nghị của hai chính quyền Donetsk và Luhansk.

Kế hoạch này cũng phù hợp với tư duy ngoại giao của Nga như những gì từng diễn ra ở bán đảo Crimea và Syria.

Công nhận và đưa quân vào Donetsk và Lugansk thì tổn thất về mặt quân sự và kinh tế với Nga sẽ thấp hơn nhiều so với việc tấn công vào Ukraine.

Sau khi Nga tuyên bố công nhận và đưa quân vào Donetsk và Lugansk đã thông báo sẽ cấm giao dịch thương mại, tài chính, và đầu tư vào 2 khu vực này. Hiện Mỹ và các đồng minh đang tính toán các biện pháp trừng phạt Nga sau động thái này. Chưa biết cụ thể thế nào nhưng theo chuyên gia Chausovsky thì các biện pháp trừng phạt từ phương Tây chắc chắn sẽ nhẹ hơn nhiều so với một khi Nga chọn cách tấn công tổng lực Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới