Putin kể rằng cha ông là Vladimir Spiridonovich Putinđã gia nhập một nhóm biệt động, hoạt động dưới sự chỉ huy của Bộ Dân ủy nội vụ (NKVD). Nhiệm vụ của lực lượng này gồm việc cho nổ các cây cầu và tuyến đường sắt nằm gần St Petersburg (khi đó là Leningrad).
Trong 28 thành viên thuộc nhóm thì 24 người đã chết khi chiến đấu chống phát xít Đức gần St Petersburg. Một ngày nọ, những người lính Đức đuổi theo ông Vladimir và đồng đội tới một khu rừng. Cha ông sống sót nhờ nhanh trí trốn dưới đầm lầy trong vài giờ.
“Cha tôi đã phải lặn xuống đầm lầy và thở bằng ống sậy, khi những người lính của phát xít Đức bước ngang qua, chỉ cách ông có vài bước chân,” ông Putin kể, cho biết cha mình còn nghe thấy cả tiếng chó sủa.
Ông Vladimir về sau còn kể cho con trai việc ông bị thương ra sao, trong một lần tình cờ đụng độ một tên lính Đức. "Gã đó nhìn về phía chúng ta một cách thận trọng. Gã rút ra một quả lựu đạn, thêm một quả nữa rồi bất ngờ ném về phía chúng ta,” ông Putin kể lại lời cha đẻ.
"Đôi khi cuộc sống thật đơn giản và nghiệt ngã,” ông Putin kết luận trong bài viết.
Khi cha Putin tỉnh dậy, ông đã không thể bước đi. Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất. Ông còn phải trở về đơn vị, đóng ở bờ bên kia sông Neva rộng lớn, lúc ấy đang đóng băng.
“Sông Neva nằm dưới sự giám sát liên tục, thường xuyên bị nã pháo và hứng các loạt súng máy. Gần như không có cách gì để sang bờ bên kia,” ông cho biết.
Thật may mắn, cha Putin đã gặp được một người bạn và là hàng xóm của ông. Con người ấy đã vượt qua lửa đạn, đưa ông tới một bệnh viện. Ông Vladimir sống sót nhưng các mảnh lựu đạn vẫn găm chặt trong chân ông. Các bác sĩ quyết định không chạm vào những mảnh vỡ đó để cứu lấy chân ông.
Người hàng xóm ngồi chờ tại bệnh viện trong lúc ông Vladimir được phẫu thuật. Sau khi ca phẫu thuật thành công, ông này nói: ”Ổn rồi, giờ cậu sẽ sống, còn tớ thì đi thẳng tới chỗ chết.”
Nhưng rốt cục cả hai người đã sống sót qua khỏi cuộc chiến, dù ông Vladimir tưởng bạn đã chết. Phải đến những năm 60 tuổi, họ mới tình cờ gặp nhau tại một cửa hàng. Hai người bạn đã có một cuộc hội ngộ trong nước mắt.
Trong bài báo, ông Putin cũng cho biết anh trai mình đã ra đời tại thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai diễn ra ác liệt. Để có thể nuôi con, ông Vladimir đã bí mật chuyển khẩu phần ăn của mình, được cấp trong lúc ông vẫn phải nằm viện điều trị cái chân, cho vợ. Nhưng khi ông bắt đầu ngất xỉu trong bệnh viện, các bác sĩ và y tá hiểu ra chuyện gì đã xảy ra.
Anh trai của ông Putin đã bị nhà chức trách mang đi, đưa vào một trung tâm chăm sóc và sơ tán.
“Anh tôi bị ốm khi ở trung tâm đó. Mẹ tôi nói rằng anh bị mắc bệnh bạch hầu và không thể sống sót. Và người ta cũng chẳng bao giờ cho biết anh ấy đã được chôn cất ở đâu. Họ chẳng nói lời nào cả,” ông chia sẻ.
Chỉ tới năm ngoái, ông Putin mới bắt đầu thông tin về anh trai và nơi anh được chôn cất.
“Tôi đã tìm được anh mình. Không chỉ là địa chỉ mà mọi thông tin về họ, tên, ngày tháng năm sinh đều khớp. Anh được mai táng ở nghĩa trang Piskarevsky, tại St. Petersburg,” ông chia sẻ.
Ông Putin tiếp tục kể về gia đình mình. Theo đó, khi chồng phải nằm viện và con trai bị mang đi, bà đã phải sống một mình. Bà đã bị ốm thập tử nhất sinh, tới mức các bác sĩ quân y tin bà không thể sống sót. Họ thậm chí đã đưa bà cùng các thi thể khác tới nơi chôn cất. May mắn thay, ông Vladimir đã trở về kịp thời để cứu bà.
“Khi cha tôi trở về, ông thấy các bác sĩ đang chở nhiều thi thể đi. Và ông thấy mẹ tôi. Khi tới gần, ông phát hiện bà vẫn còn thở. ‘Cô ấy vẫn còn sống!’,” ông hét lên với các bác sĩ.
Những vị bác sĩ kia đáp lại rằng bà sẽ không thể sống sót. Nhưng ông Vladimir không tin họ. Ông thậm chí còn cầm cây nạng của mình đánh những viên bác sĩ tắc trách.
“Rồi ông đã tự tay chăm sóc và mẹ tôi đã sống sót,” Tổng thống Nga viết. Cha mẹ ông đều sống sót qua chiến tranh và họ chỉ qua đời vào cuối những năm 1990.
Theo lời ông Putin, mọi gia đình Nga đều mất người thân trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Nhưng cha mẹ ông không hề căm ghét những kẻ đã gieo rắc đau thương lên họ. Putin vẫn còn nhớ những lời của mẹ đẻ, rằng bà không hề căm ghét binh lính phátxít Đức, bởi họ “cũng chỉ là người bình thường và cũng bị giết hại trong cuộc chiến tranh”./.
Theo LINH VŨ (VIETNAM+)