Việc đổi tên các tập đoàn quân là một bước trong kế hoạch cải tổ quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP). Vào năm 1949, PLA có đến 70 tập đoàn quân, số hiệu từ 1 tới 70. Sau nhiều lần cải tổ, hiện PLA chỉ còn 13 tập đoàn quân mang số hiệu cũ. SCMP dẫn lời một sĩ quan quân đội về hưu tiết lộ “số hiệu mới của 13 tập đoàn quân sẽ bắt đầu từ 71 cho tới 83”.
Các chuyên gia quân sự cho biết các tập đoàn quân còn lại hiện nay của PLA đều là những đơn vị tinh nhuệ đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Trong đó có các tập đoàn quân nổi tiếng trong lịch sử quân sự nước này như: Tập đoàn quân 38, 42, 27, 39 từng chiến đấu trong chiến tranh Triều Tiên. Tập đoàn 28, đóng tại Bảo Định, Hà Bắc, từng đánh bại Sư đoàn 2 Bộ binh của Mỹ trên chiến trường Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao cờ cho Tư lệnh Lục quân Lý Tác Thành năm 2016. Ảnh: THX
Giới phân tích cho biết ngay cả hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong quá khứ là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình cũng không dám “thay tên đổi họ” các tập đoàn quân này. “Ngoại trừ Chủ tịch Mao Trạch Đông, chưa có ai áp dụng biện pháp thay đổi quyết liệt và mạnh mẽ như vậy nhưng cũng chỉ là can thiệp đổi chỉ huy tám đơn vị để ngăn chặn tình trạng bè phái đầu những năm 1970” - một cựu binh PLA trả lời SCMP.
GS Trần Đạo Dĩnh, ĐH Thượng Hải, ngành khoa học chính trị và luật, cho rằng ông Tập muốn “làm được một điều gì đó mang tính cách mạng và vượt trội” hơn hai bậc tiền bối của mình, “thay đổi toàn diện cấu trúc quân đội và tái lập” hệ thống các tập đoàn quân của PLA. Còn theo SCMP, đợt đổi tên lần này cũng nhằm mục đích “kìm hãm tình trạng bè phái trong quân đội và ảnh hưởng nguy hại” do hai nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu để lại sau nhiều năm lạm quyền.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau lo ngại vụ đổi tên sẽ xóa đi một phần “chiến tích lịch sử” của lực lượng bộ binh PLA. “Mỗi tập đoàn quân tồn tại tới bây giờ là nhờ lịch sử đẫm máu và nước mắt của nó” - ông Wong nhấn mạnh rằng ông không thể chấp nhận việc đổi tên Tập đoàn quân 38.
Ông Trần, trái lại, cho rằng việc đổi tên không tác động tới “lịch sử” của quân đội Trung Quốc mà chỉ là một biện pháp kỹ thuật cần thiết để đơn giản hóa hệ thống chỉ huy quân đội, dễ hợp nhất với hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và các quân chủng khác để tối đa hóa sức chiến đấu.
Cuộc đại cải tổ quân đội của ông Tập tới nay đã gom bảy đại quân khu lại còn năm đại chiến khu, quy hoạch bốn tổng cục gồm Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị, cùng 15 cơ quan chuyên môn, đồng thời cắt giảm đến 300.000 quân để tăng sự tinh gọn.