Đó là tâm sự của thầy Tôn Long Hạ (Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM), một người vừa giúp đỡ ông Tây cầm bảng xin tiền mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.
500.000 đã cho tôi không tiếc…
Tiếp chúng tôi sau một ngày làm việc dài, thầy Tôn Long Hạ chia sẻ thầy sẵn sàng kể lại câu chuyện của mình để lòng tốt của những người khác không bị lợi dụng.
Thầy Tôn Long Hạ (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) chia sẻ lại câu chuyện. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Theo thầy Hạ, chiều 15-11, tại Cầu Đen, quận 2 (gần cầu Sài Gòn), thầy chở con gái trên đường đi học về. Lúc thấy ông Tây cầm tấm bảng giúp đỡ, dù đã qua rồi, tôi và con gái vẫn quay lại. Ông cầm tấm bảng có ghi cả tiếng Anh và tiếng Việt phía dưới nói rằng ông bị cướp, mất hết giấy tờ, tiền bạc, ông muốn xin tiền về Lãnh sự quán Phần Lan ở Hà Nội.
"Ông không nói được tiếng Việt, chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi có lấy ra tờ tiền 500.000 đồng đưa con gái tặng ông ấy và không quên gửi kèm lời chúc ông ấy may mắn. Tôi cũng có nói đây là tiền bé con nhà tôi ủng hộ ông, mong giúp ông khi ông đang gặp khó khăn. Ông ấy nói cảm ơn và còn hỏi tên con gái tôi" - thầy kể.
Tuy nhiên, điều khiến anh Hạ băn khoăn là ngay khi nhận được tiền người đàn ông này cất vội vào túi quần, cái bắt tay hời hợt rồi lại tất tả quay sang để mong những người khác hỗ trợ tiếp.
“Lúc đó tôi có hỏi ông, có cần tôi đưa ông tới cơ quan chức năng để được hỗ trợ không nhưng ông lắc đầu hay đơn giản là qua cái bắt tay hời hợt của ông Tây này khi nhận tờ tiền và tôi bắt tay chúc may mắn cho ông ta. Cái bắt tay đó hời hợt đến mức làm tôi phải suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi thử lên google tìm kiếm thông tin "ông tây lừa xin tiền tại TP.HCM" và biết sự thật phũ phàng. Đáng nói, ông ta còn trơ trẽn nhận lấy số tiền của một đứa bé còn học mầm non.”
Khi chia sẻ lại câu chuyện trên trang cá nhân của mình, anh Hạ nhận được nhiều phản hồi từ bạn bè, đồng nghiệp khẳng định đây là trường hợp lừa đảo, thậm chí, chính vợ của anh cũng từng gặp người này trên đoạn đường Lý Tự Trọng (quận 1) gần khu vực Hội trường Thống Nhất và chị cũng từng có ý định hỗ trợ nếu đó không phải là đường một chiều.
“Khi đăng bài viết của báo Pháp Luật TP.HCM lên Facebook và kể lại câu chuyện, nhiều bạn bè tôi còn khẳng định đã gặp ông này đi xin tiền nhiều lần từ quận 1 qua quận 2. Xin lâu rồi mà chưa đủ tiền ra Hà Nội thì vô lý quá và nếu thực sự gặp vấn đề, ông này đã nhờ chính quyền, công an giúp đỡ rồi. Đọc xong các thông tin khác nữa và qua lời bình luận của các bạn bè trên Facebook, tôi mới ngỡ ra và nhận định là ông ấy đang lừa để được nhận tiền trợ giúp từ lòng thương người của những người khác” - thầy chia sẻ.
Nếu gặp người khó khăn vẫn giúp nhưng…
Thầy khẳng định 500.000 đồng đã cho anh không tiếc nhưng anh buồn vì lòng tốt của mình bị lợi dụng.
Thông tin về ông Tây xin tiền từng được cảnh báo trên mạng xã hội
“Đã cho thì sẽ không tiếc vì nếu tiếc chắc chắn lúc đó đã không cho. Nhưng tôi nhớ lại có những lúc những người bán vé số tới nhờ mua giúp, tôi đã lắc đầu. Dù tôi cũng thường mua vé số nhưng chẳng mấy khi dò xem có trúng không, mua để ủng hộ các cô chú thôi”.
Nói rồi, như sực nhớ, anh lục ví, những tờ vé số từ tháng 8, tháng 9 vẫn được gấp gọn trong ví đã hết hạn, anh cười.
Tôi nói trên mạng xã hội nhiều người thắc mắc, tại sao người Việt không giúp nhau mà thấy người Tây lại giúp, như anh còn giúp với số tiền lớn như vậy 500.000 đồng? Anh trả lời, người Việt hay người Tây nếu anh có thể giúp, anh đều giúp. Khi hỗ trợ ai đó, anh luôn đặt mình vào vị trí của họ, lý do của ông Tây rất hợp lý, chỉ xin tiền để về Đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội. Anh biết Đại sứ quán nước này ở Hà Nội, đó là lý do chính đáng, một người nước ngoài đến miền đất xa lạ, không biết ngoại ngữ, không người thân quen, anh chỉ mong sớm giúp người ta về nhà, đâu dè…
“Liệu sau này gặp những trường hợp tương tự anh còn sẵn sàng giúp không?” - tôi hỏi. Anh cười khẳng định chắc chắn sẽ vẫn giúp vì chỉ cần thấy tâm an yên là đủ.
“Giúp thì chắc chắn vẫn giúp, nhưng sẽ nghi ngờ và giúp theo cách khác. Có thể, tôi sẽ cho họ 50.000 đồng thay vì 500.000 đồng, giúp họ có một bữa cơm tối chẳng hạn hoặc đưa họ tới công an trình báo. Tuần rồi tôi gặp ba vụ: Vụ ông Tây xin tiền, vụ vé số giả và một vụ báo chí mới phản ánh bà mẹ ôm con xin tiền chích ma túy. Trong vòng một tuần gặp và biết đến ba vụ thế này, hỏi sao không tụt niềm tin cơ chứ. Không còn biết thế nào là thật, là giả! Ngã một lần sẽ đau mãi,...”.