Trong cập nhật tháng 4-2020, Fitch Solutions điều chỉnh dự phòng tăng trưởng ngành xây dựng Việt Nam năm 2020 chỉ còn 5,7% để phản ánh mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế.
Số liệu của Cục Đăng ký Quản lý Kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy sự ảm đạm của thị trường xây dựng. Theo đó, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp thị trường bất động sản và các nhà thầu xây dựng phải đương đầu với rất nhiều thách thức.
Đặc biệt ở TP.HCM, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm lần lượt 85% và 80% so với năm 2018.
Vượt khó ở mọi thời điểm
Trong bối cảnh đó, số lượng doanh nghiệp xây dựng và bất động sản phải tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể lên đến gần 1.300 công ty, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Đại công trường CTC Akaricity do Conteccons xây dựng
“Là một đơn vị xây dựng, Coteccons cũng không ngoại lệ, trong năm qua công ty có rất ít dự án mới được triển khai, nhiều công trình đang thi công bị tạm ngưng hoặc kéo dài tiến độ. Chính điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Coteccons trong khi chi phí phát sinh tăng làm lợi nhuận sụt giảm”, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons thẳng thắn nhìn nhận.
Tuy nhiên, Coteccons luôn biết vượt khó ở mọi thời điểm. Điều này có thể được nhìn thấy, chủ đầu tư ở những dự án lớn như Golden Hill, The Spirit of Saigon, The Marq và nhiều công trình khác vẫn chọn Coteccons làm nhà thầu.
Tình hình thị trường bất động sản tại Việt Nam có thể được phản ánh thông qua cơ cấu doanh thu năm 2019 theo loại hình dự án. Trong đó tỷ trọng doanh thu đến từ các dự án nhà ở có sự điều chỉnh giảm rõ rệt từ 44% vào năm 2018 xuống còn 36% vào năm 2019.
Ngược lại với đó, nhóm dự án khách sạn và nghỉ dưỡng lại có nâng cao tỷ trọng lên gấp đôi từ mức 14% vào năm 2018 lên đến 28% vào năm 2019. Đây chủ yếu là các dự án đòi hỏi chất lượng rất cao cấp đến từ các khách hàng dự án Nam Hội An có sự tin tưởng lớn vào khả năng, kinh nghiệm và uy tín của Coteccons.
Nhờ đó, năm 2019, mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 23.733 tỉ đồng và 711 tỉ đồng. Không những thế, các công trường do Coteccons triển khai đều thi công và hoàn thành với cam kết cao nhất về cả an toàn, chất lượng và tiến độ đề ra của chủ đầu tư.
Một điểm khác giúp Coteccons duy trì được vị thế trong ngành chính là luôn đảm bảo lượng tiền mặt dồi dào để tạo nền tản vững chắc để có thể tham gia vào nhiều dự án quy mô lớn, chủ động nguồn vốn đầu tư khiến khách hàng đặt niềm tin vào năng lực tài chính của Coteccons. Hiện, tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn lên đến 4.042 tỉ đồng, chiếm đến khoảng 25% tổng tài sản.
Cần một chiến lược kinh doanh hợp lý
Tuy nhiên, lãnh đạo Coteccons cũng nhìn nhận, năm 2020 là năm có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường đến từ dịch COVID-19. Qua đó tác động đến nền kinh tế đất nước dẫn đến gia tăng thêm khó khăn cho các công ty xây dựng. Chính vì thế, năm nay Cotecccons đặt mục tiêu doanh thu 16.000 tỉ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 600 tỉ đồng. Với chỉ tiêu trên, HĐQT trình tỷ lệ cổ tức ở mức 30% bằng tiền. Con số này giảm so với năm trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành đang niêm yết trên sàn và khá cao trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu sẽ tăng cao trong giai đoạn khó khăn này, với chiến lược cạnh tranh chủ yếu bằng giá khiến cho doanh thu và biên lợi nhuận nhà thầu sụt giảm.
“Khó khăn vẫn còn ở phía trước nên chúng ta cần vững vàng trong thử thách. Thị trường là một bức tranh sáng tối đan xen, trong thách thức sẽ luôn có rất nhiều cơ hội. Vì vậy, Coteccons cần có một chiến lược kinh doanh hợp lý. Chúng ta sẽ không tăng trưởng bằng mọi giá mà chỉ chọn lựa những dự án tốt, tập trung vào công tác thu hồi công nợ. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để tối ưu hoá bộ máy quản lý, nâng cao năng suất lao động nhằm gia tăng biên lợi nhuận”, ông Dương nói.
Theo Công ty chứng khoán FPT, nhìn chung, triển vọng của ngành xây dựng trong nửa cuối 2020 và 2021 sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế và triển vọng từng lĩnh vực phụ thuộc ảnh hưởng của dịch tới nhóm khách hàng tương ứng. xây dựng cơ sở hạ tầng ngược lại có thể hưởng lợi nếu Chính phủ gia tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy khôi phục kinh tế.
“Chúng tôi đánh giá triển vọng ngành xây dựng dựa trên kịch bản lạc quan về khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam”, FPT cho biết.
Theo FPT, thứ nhất, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới kinh tế Việt Nam ở mức thấp so với khu vực, nhờ kiểm soát bùng phát dịch trong nước và các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn đã được thực hiện kịp thời. Thứ hai, Việt Nam có các yếu tố vĩ mô ổn định (bao gồm lãi suất thấp và lạm phát được kiềm chế trong nhiều năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng trong nước cao…), tạo bàn đạp cho kinh tế hồi phục nhanh chóng sau dịch.
Theo IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế), kinh tế Việt Nam có thể hồi phục 7,0% trong năm 2021 dưới kịch bản cơ sở, cao hơn trung bình 10 năm gần đây ở mức 6,3%.