Nội bộ chính phủ Mỹ đang lục đục về Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump ngày 30-8 nói “đối thoại không phải là câu trả lời” cho căng thẳng với Triều Tiên quanh chương trình tên lửa hạt nhân nước này, trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ủng hộ duy trì phương án ngoại giao.
“Mỹ đã từng đối thoại với Triều Tiên và chịu sự tống tiền của họ, trong 25 năm. Đối thoại không phải là câu trả lời!” - ông Trump viết trên Twitter.
Theo số liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, trong thời gian 1995-2008 Mỹ viện trợ cho Triều Tiên hơn 1,3 tỉ USD, chủ yếu là thực phẩm và nhiên liệu. Khoản viện trợ này là một phần thỏa thuận hạt nhân mà Triều Tiên sau đó đã vi phạm. Phát ngôn mới nhất của ông Trump khiến nhiều nghị sĩ Mỹ lo lắng và chỉ trích rằng đây là phát ngôn nguy hiểm, vô trách nhiệm nhất của ông Trump với tư cách tổng thống, đe dọa đến hàng triệu người.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên trong vụ thử ngày 28-8. Ảnh: REUTERS
Ông Trump từng tuyên bố sẽ không để Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân có thể bắn đến Mỹ. Trong hai ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngang qua lãnh thổ Nhật, ông Trump liên tục có các phát ngôn cứng rắn về Triều Tiên. Ngày 29-8, ông cảnh cáo “mọi phương án đều được cân nhắc”. Chỉ mới tuần trước ông Trump còn cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã “bắt đầu tôn trọng” Mỹ.
Tuy nhiên vài giờ sau, khi được các nhà báo hỏi liệu Mỹ đã từ bỏ phương án ngoại giao giữa làn sóng căng thẳng sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định: “Không!”.
“Chúng tôi không bao giờ từ bỏ giải pháp ngoại giao” - Bộ trưởng Mattis nói với báo chí trước buổi tiếp người đồng cấp Hàn Quốc tại Mỹ - “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau, bộ trưởng và tôi cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ đất nước, người dân và quyền lợi của chúng ta”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa mới nhất ngày 28-8. Ảnh: REUTERS
Trong khi ông Trump hay có phát ngôn cứng rắn thì Bộ trưởng Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson chú trọng giải pháp ngoại giao, thường có giọng điệu mềm dẻo hơn về Triều Tiên và cả các vấn đề khác. Còn nhớ vài ngày sau khi ông Trump dọa nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ”, hai ông Mattis và Tillerson có chung bài viết trên Wall Street Journal trấn an Triều Tiên rằng: “Mỹ không quan tâm đến việc thay đổi thể chế hay thúc đẩy hợp nhất liên Triều”.
Ngày 6-9 tới, hai ông Mattis, Tillerson, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joseph Dunford, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats sẽ có buổi điều trần kín với Quốc hội Mỹ về Triều Tiên.
Một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa ngang qua Nhật, Cơ quan Tên lửa phòng thủ Mỹ thực hiện thành công một vụ thử tên lửa phòng thủ ở bờ biển Hawaii. Các tên lửa dùng trong vụ thử là tên lửa hành trình Standard Missile-6, được thiết kế đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, loại tên lửa Triều Tiên vừa phóng ngang qua Nhật.
Một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ Cơ sở Trận địa tên lửa Thái Bình Dương trước khi bị đánh chặn bởi tên lửa phòng thủ Standard Missile-6 được phóng từ tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones ở Hawaii ngày 29-8. Ảnh: REUTERS
Giữa lúc chính phủ Trump đang chỏi nhau về Triều Tiên thì Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 30-8 điện đàm với người đồng cấp Tillerson, đề nghị Mỹ kiềm chế hành động quân sự ở bán đảo Triều Tiên vì sẽ dẫn tới hậu quả không lường trước.
Nhật đang đề nghị trừng phạt thêm Triều Tiên vụ phóng tên lửa mới nhất này. Mỹ cho biết các nước đang bàn khả năng này. Tuy nhiên, điện đàm với ông Tillerson, ông Lavrov nói Nga tin trừng phạt thêm nữa chỉ phản tác dụng với Triều Tiên mà thôi.
Hội đồng Bảo an LHQ họp lên án Triều Tiên ngày 29-8. Ảnh: REUTERS
Triều Tiên nói vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 ngang qua Nhật là phản ứng với cuộc tập trận "Người bảo vệ tự do Ulchi" giữa Mỹ với Hàn Quốc. Đây cũng là bước đầu tiên nhằm kiểm tra, phát triển năng lực bắn tên lửa tới đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.