Bất chấp tất cả lời đe dọa, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 30-8 lại khẳng định sẽ tiếp tục bắn tên lửa ra Thái Bình Dương, củng cố năng lực đặt đảo Guam của Mỹ vào tầm bắn.
Gần 30 năm qua, trải qua năm đời tổng thống, Mỹ vẫn chưa ngăn chặn được chương trình vũ khí Triều Tiên. Viết trên tạp chíPolitico, ông Jon Wolfsthal, trợ lý đặc biệt của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định: Triều Tiên bất chấp các đe dọa từ Mỹ vì họ đã đọc vị được hết cách nói và hành động của Mỹ trong ba thập niên qua.
Thứ nhất, Mỹ luôn tìm kiếm thỏa thuận. Sau khi phát hiện Triều Tiên nói dối về sản xuất nguyên liệu hạt nhân đầu thập niên 1990, Mỹ đã chủ động xúc tiến một thỏa thuận. Sau khi Triều Tiên vi phạm thỏa thuận này, Mỹ một mặt trừng phạt nhưng trở lại đối thoại vào năm 2005. Suốt thời Obama, Mỹ vẫn nói sẽ duy trì đối thoại nếu Triều Tiên đồng ý giải trừ hạt nhân. Bình Nhưỡng chỉ cần kéo dài thời gian để cán cân thương lượng ngày càng nghiêng về phía mình.
Thứ hai, Triều Tiên không sợ trừng phạt. Triều Tiên về lý thuyết là bị cô lập nhưng thực tế tiền bạc vẫn đổ về đều đặn. Các quan hệ kinh tế ngầm với Trung Quốc (TQ), lượng kiều hối và tiền bán vũ khí sang châu Phi vẫn rất lớn.
Thứ ba, Mỹ luôn nói dọa chiến tranh nhưng sẽ không dám châm ngòi chiến tranh, vì lợi bất cập hại. Mỹ sẽ không đánh đổi tất cả để gây chiến với một nước nhỏ, ít tài nguyên như Triều Tiên. Giờ khi Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa, chiến tranh chỉ lợi bất cập hại. Bình Nhưỡng chỉ cần đi từng bước nhỏ, hoàn thiện dần vũ khí, sau đó lèo lái thỏa thuận với Mỹ theo hướng mình muốn.
Thứ tư, Mỹ đang thất thế dần trong khu vực. Chiến lược xoay trục mất động lực, còn TQ ngày càng chiếm thế thượng phong. Hàn Quốc, Nhật Bản rồi đây sẽ phải cân nhắc có nên tiếp tục đứng về phía Mỹ hay nhân nhượng TQ - đồng minh của Triều Tiên.
Cuối cùng, Triều Tiên biết rõ từ bỏ vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với sụp đổ. Mỹ từng ký thỏa thuận với cố lãnh đạo Lybia Muammar al-Qaddafi từ bỏ hạt nhân và rồi Lybia sụp đổ. Tổng thống Iraq Saddam Hussein ngưng phát triển vũ khí theo thỏa thuận với Mỹ và rồi cũng cùng chung số phận. Bình Nhưỡng rõ ràng không muốn theo những vết xe đổ.