Vụ hai bang Colorado và Maine ra quyết định loại tên cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra khỏi phiếu bầu tổng thống năm 2024 của bang cho thấy con đường quay lại cuộc đua Nhà Trắng của ông đầy thách thức. Tòa án Tối cao Mỹ cũng đang đối mặt với thế lưỡng nan khi bị cuốn vào vụ tranh cãi tư cách ứng viên tổng thống lần này của cựu lãnh đạo Mỹ.
Gian nan quay lại đường đua
Ngày 19-12-2023, Tòa án Tối cao bang Colorado (Mỹ) ra phán quyết tuyên bố ông Trump không đủ điều kiện chạy đua vào Nhà Trắng và xóa tên ông khỏi phiếu bầu tổng thống năm 2024 của bang vì cho rằng cựu tổng thống kích động vụ nổi loạn ở điện Capitol năm 2021, theo hãng tin AP. Phán quyết của tòa dựa trên Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, quy định các quan chức tuyên thệ ủng hộ hiến pháp sẽ bị cấm giữ chức vụ liên bang nếu tham gia “các cuộc nổi loạn”.
Không lâu sau đó, vào ngày 28-12-2023, Tổng Thư ký bang Maine - bà Shenna Bellows cũng ra quyết định loại tên ông Trump khỏi lá phiếu cuộc bầu cử sơ bộ của bang, đài CNN đưa tin. Ông Trump cũng đang đối mặt với những vụ kiện tương tự ở các bang Minnesota, Arizona...
Các quyết định của hai bang Maine và Colorado (lâu nay ủng hộ đảng Dân chủ) đã buộc ông Trump không còn cách nào khác ngoài việc bắt đầu cuộc chiến pháp lý. Ngày 2-1, ông Trump đã nộp đơn kháng cáo lên tòa Thượng thẩm bang Maine yêu cầu tòa đảo ngược quyết định loại ông khỏi phiếu bầu sơ bộ cuộc đua tổng thống năm 2024 ở bang này. Ông Trump chỉ trích bà Bellows “ra quyết định thiên vị” và không cho cựu tổng thống “có đủ thời gian và cơ hội để bào chữa”.
Tiếp đó, đến ngày 3-1, ông Trump gửi đơn kháng cáo đề nghị Tòa án Tối cao Mỹ can thiệp sau phán quyết của Tòa án Tối cao bang Colorado. Các luật sư của ông Trump đề nghị các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ “đảo ngược hoàn toàn” phán quyết “sai trái” của tòa Colorado.
Tuy vậy, cũng có bang không loại tên ông Trump khỏi phiếu bầu, chẳng hạn như bang Michigan. Tòa án Tối cao bang Michigan hôm 27-12-2023 quyết định giữ y phán quyết giữ tên cựu Tổng thống Trump trong phiếu bầu sơ bộ. Michigan là một bang chiến trường quan trọng và có tác động rất lớn đến cục diện phiếu bầu trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngoài vụ việc nói trên, ông Trump hiện còn đối mặt với một loạt rắc rối pháp lý. Tổng cộng, ông Trump đang phải đối mặt với 91 cáo buộc hình sự cho bốn bản cáo trạng, bất kỳ cáo buộc nào trong số đó đều có khả năng dẫn đến án tù. Bốn vụ truy tố này bao gồm: dùng tiền bịt miệng nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels; âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020; cất giữ tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng và lật ngược kết quả bầu cử ở bang Georgia.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Tòa án Tối cao Mỹ
Theo tờ The New York Times, việc ông Trump đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ có thể buộc tòa này can thiệp, lý do là gốc rễ của vụ kiện cáo nằm ở cách diễn giải Mục 3 Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ - điều khoản mà bang Colorado dựa vào để loại tên ông Trump khỏi phiếu bầu. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi đứng trước hai thực tế chính trị không hề dễ chịu.
Trong trường hợp chấp nhận lập luận của Tòa án Tối cao bang Colorado, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ tước đi quyền của cử tri trong việc tìm kiếm lãnh đạo đất nước bằng lá phiếu. Tuy nhiên, nếu bác cách lý giải của Tòa án Tối cao bang Colorado, khả năng cao phán quyết đó sẽ tạo đà cho ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới, khiến cơ quan tư pháp cao nhất nước bị gán mác nhúng tay vào cuộc đua Nhà Trắng.
“Tôi cho rằng không thẩm phán nào muốn bị cuốn vào cuộc tranh cãi về tương lai tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, có vẻ như Tòa án Tối cao Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với những vấn đề quan trọng này” - luật sư Deepak Gupta, từng nhiều lần tranh biện tại Tòa án Tối cao Mỹ, nhận định về trường hợp của ông Trump.
Bà Tara Leigh Grove - GS luật của ĐH Texas (Mỹ) nhận định bất kể lựa chọn nào trong hai hướng đi trên cũng tác động nghiêm trọng tới uy tín của Tòa án Tối cao Mỹ. “Dù nhiều người dân tất nhiên sẽ chấp nhận phán quyết nghiêng về phía Tòa án Tối cao bang Colorado nhưng cũng không ít người sẽ phản đối quyết định này. Tôi không nghĩ Tòa án Tối cao Mỹ có bất kỳ lựa chọn nào giúp nâng cao hình ảnh của họ trong mắt công chúng” - bà Grover nói.
Theo The New York Times, Chánh án John Roberts chắc chắn sẽ cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận hoặc ít nhất là cố gắng tránh sự chia rẽ đảng phái giữa sáu thẩm phán do các tổng thống đảng Cộng hòa bổ nhiệm và ba thẩm phán do các tổng thống đảng Dân chủ bổ nhiệm.
Theo ông Nicholas Stephanopoulos, GS luật tại ĐH Harvard (Mỹ), các thẩm phán có nhiều cách để tránh buộc tội ông Trump dính líu tới vụ bạo loạn tại điện Capitol hồi tháng 1-2021, từ đó giữ tên ông trong lá phiếu bầu. Theo ông, các thẩm phán có thể lập luận rằng Mục 3 Tu chính án thứ 14 không áp dụng cho chức tổng thống hoặc các tuyên bố của ông Trump được Tu chính án thứ nhất (liên quan quyền tự do ngôn luận) bảo vệ.
Tòa này cũng có thể hoãn quyết định có loại tên ông Trump ra khỏi phiếu bầu không bằng cách hoãn ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, các thẩm phán có thể lập luận rằng tòa án chỉ có thể can thiệp vào vụ việc sau khi Quốc hội xem xét, đánh giá.
Theo đài CBS News, Tòa án Tối cao bang Colorado và tổng thư ký bang Maine đều đồng ý hoãn thực hiện quyết định của mình cho đến khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định. Điều này có nghĩa là trên lý thuyết, tên của cựu Tổng thống Trump vẫn sẽ xuất hiện trên phiếu bầu sơ bộ của các bang này nếu đến lúc đó Tòa án Tối cao Mỹ vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.•
Nhóm ông Trump yêu cầu tòa án buộc tội ông Jack Smith coi thường lệnh tòa
Ngày 4-1, các luật sư của cựu Tổng thống Donald Trump đã đệ đơn kiến nghị tòa án buộc tội công tố viên đặc biệt Mỹ Jack Smith có hành vi coi thường tòa án, cáo buộc văn phòng của ông Smith vi phạm lệnh tòa khi tiếp tục kiện tụng một vụ án mà thẩm phán đã ra lệnh tạm hoãn.
Phát ngôn viên của ông Smith từ chối bình luận. Ông Smith là người dẫn đầu các cuộc điều tra cấp liên bang về cáo buộc ông Trump âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Ông Trump đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên. Theo đội ngũ pháp lý của ông Trump, các phát ngôn của ông rằng cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 có gian lận là biểu hiện của tự do ngôn luận.