Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-3 đã điện thoại chúc mừng ông Vladimir Putin tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 18-3. Trong khi chỉ một ngày trước đó Nhà Trắng còn nói sẽ không có thông điệp chúc mừng nào. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng việc ông Putin thắng cử nhiệm kỳ thứ tư không phải là điều gì bất ngờ.
Trao đổi với báo chí tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm, ông Trump cho biết ông hy vọng sẽ gặp ông Putin “trong một tương lai không quá xa” để bàn về Syria, Ukraine, Triều Tiên và về cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước.
“Chúng tôi đã có một cuộc điện đàm rất tốt và tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể sẽ gặp nhau trong một tương lai không quá xa để bàn về cuộc chạy đua vũ trang đang dần mất kiểm soát” – NPR dẫn lời ông Trump.
Dù lo ngại chạy đua vũ trang với Nga nhưng ông Trump vẫn xác định sẽ duy trì thế thượng phong của quân đội Mỹ.
“Năm nay chúng ta chi 700 tỉ USD cho quân đội và đến giờ chúng ta sẽ vẫn mạnh hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ nước nào đạt gần đến mức chúng ta đã đạt được” – theo ông Trump.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, trong cuộc điện đàm, ông Trump có nói với ông Putin rằng mình quan ngại chuyện ông Putin phát biểu thông điệp liên bang gần đây có đề cập Nga đang phát triển một tên lửa hành trình xuyên lục địa và một ngư lôi hạt nhân có thể phá vỡ mọi tuyến phòng thủ của Mỹ.
NPR dẫn thông tin từ một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết cáo buộc Nga can thiệp bầu cử không được hai ông Trump và Putin đề cập trong cuộc điện đàm, cả chuyện Nga bị cho là đã đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh cũng thế.
5 ngày trước, chính phủ Trump vừa trừng phạt Nga vì can thiệp bầu cử và tấn công mạng, lệnh trừng phạt nặng nhất trước nay của Mỹ với Nga kể từ khi ông Trump làm tổng thống. Tuần trước, Mỹ cùng Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung yêu cầu Nga trả lời nghi ngờ này.
Việc ông Trump chúc mừng ông Putin hứng nhiều chỉ trích từ nhiều chính trị gia và truyền thông Mỹ, vốn vẫn cho cuộc bầu cử tổng thống Nga thiếu dân chủ. Trong số này có lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain, các nhà báo của CNN, Daily Beast.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cùng tham dự hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam ngày 11-11-2017. Ảnh: REUTERS
Cả ông Trump và ông Putin đều từng thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Tuy nhiên, điểm lấn cấn lớn nhất giữa hai bên là cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Hiện cuộc điều tra đặc biệt của công tố viên độc lập Robert Mueller vẫn đang diễn ra tích cực.
New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ nói dù ký lệnh trừng phạt Nga hay tham gia chỉ trích Nga vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc, ông Trump vẫn xác định không đối đầu với cá nhân ông Putin vì cho quan hệ tốt giữa hai ông là cách duy nhất cải thiện quan hệ hai nước.
Suy nghĩ và chiến lược này của ông Trump xung đột với nhiều cố vấn của mình. Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết khi chuẩn bị nội dung cuộc điện đàm, các cố vấn đã khuyên ông Trump nêu chuyện đầu độc cựu điệp viên, thậm chí còn ghi dòng chữ “Đừng chúc mừng” trên bản tóm tắt đưa cho ông Trump.
Tuy nhiên, một quan chức khác cho biết ông Trump chỉ trao đổi với các cố vấn qua điện thoại trước khi điện đàm với ông Putin, chứ không nhìn đến bản tóm tắt có dòng chữ “Đừng chúc mừng” này.
Thực ra cả hai Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama và George W. Bush đều chúc mừng ông Putin trong các lần thắng cử tổng thống trước.
Ở trường hợp ông Obama, theo ông Michael A. McFaul - đại sứ Mỹ tại Nga thời ông Obama, nội bộ chính phủ Obama đã có cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên gọi điện chúc mừng và thời điểm gọi. Và ông Obama đã đợi vài ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Nga tháng 3-2012 mới gọi cho ông Putin.