15 giờ 45 ngày 13-11, sau một ngày rưỡi công bố cáo trạng, phiên xử sơ thẩm vụ đánh bạc ngàn tỉ đồng qua mạng chuyển sang phần xét hỏi nhóm bị cáo là đại lý cho game cờ bạc. Trước đó, trong phần công bố cáo trạng, cơ quan công tố kết luận hai ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) đã “chống lưng” cho đường dây cờ bạc này hoạt động.
Nhận “quà” bảo kê cho đánh bạc
Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) khai đã sử dụng một phần lợi nhuận của công ty và tiền thu do tổ chức đánh bạc để chi cho hai cựu tướng công an này.
Cụ thể, Dương khai đã chi cho ông Vĩnh 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD. Trong đó, giai đoạn vận hành game bài Rikvip.com, Dương đã chi cho ông Vĩnh 2 tỉ đồng/tháng trong 12 tháng. Giai đoạn vận hành game bài Tip.Club là 200.000 USD/tháng với thời gian tám tháng; biếu tiền Tết 150.000 USD và một đồng hồ Rolex 7.000 USD.
Dương cũng khai nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, trong đó đều mang rượu ngoại đến uống, có những chai rượu ngoại Maccalan trị giá 100 triệu đồng.
Nhiều lần đi nước ngoài về, Dương mua áo tặng ông Vĩnh, trị giá mỗi chiếc từ 100 USD trở lên. Dương cũng nhiều lần đi tiếp khách, có sự tham gia của ông Vĩnh và chi phí với số tiền trên 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, Dương cũng khai đã đưa cho ông Hóa 22 tỉ đồng, chi cho C50 850 triệu đồng, trong đó biếu tiền Tết là 700 triệu đồng. Ủng hộ C50 một bộ phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30.000 USD. CQĐT đã chứng minh lời khai này của Dương là có thực. Việc Công ty CNC biếu quà Tết là có sự gợi ý của ông Hóa. Ông Hóa sau đó thừa nhận trách nhiệm và tự nguyện đề nghị gia đình mình nộp lại số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Tại CQĐT, ông Vĩnh thừa nhận có chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trên mạng Internet. Trong thời gian cho C50 hợp tác với Công ty CNC, ông Vĩnh thừa nhận được Dương cho một chiếc áo sơmi, một lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỉ đồng. Một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát, Dương có mặt…
Tuy nhiên, ông Vĩnh không thừa nhận lời khai của Dương đã cho mình 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD. Về lời khai Dương tặng ông Vĩnh một đồng hồ đeo tay trị giá 7.000 USD, ông Vĩnh lại khai đã trả tiền mua đồng hồ cho Dương 1,1 tỉ đồng, sau đó đồng hồ bị mất.
“Do có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai bị cáo về việc cho nhận tài sản trong khi không thu được vật chứng nên tách hành vi này của ông Vĩnh ra, khi nào làm rõ được sẽ xử lý sau” - cáo trạng nêu. Trong khi đó, ông Hóa cũng phủ nhận việc đã nhận từ Dương số tiền 22 tỉ dồng.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh được cơ quan chức năng dẫn giải ra tòa. Ảnh: TTXVN
Bản chất là bảo kê, nhận hối lộ
Hồ sơ cũng thể hiện về động cơ, mục đích phạm tội, ông Vĩnh cho rằng bản thân tạo điều kiện cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo “nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng là một nhiệm vụ chiến lược của C50”.
Tuy nhiên, thực tế hơn hai năm Công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng nhưng không dùng vào mục đích trên mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu (chi 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30.000 USD cho C50).
VKS nhận định: “Về chủ thể, Phan Văn Vĩnh là người có chức vụ, quyền hạn với đầy đủ công cụ, phương tiện, lực lượng được Nhà nước giao để thực hiện việc phòng ngừa, trấn áp, có ý nghĩa quyết định việc sống còn của game bài do Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm vận hành. Nhưng Phan Văn Vĩnh không làm mà để tồn tại, phát triển gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội”.
Theo cáo trạng, về bản chất, hành vi của ông Vĩnh và ông Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ, trong đó ông Vĩnh là người chỉ huy còn ông Hóa là người thực hành tích cực. Quá trình điều tra chưa đủ căn cứ để xác định hai bị cáo hưởng lợi cá nhân nên hành vi mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cũng theo cáo trạng, ông Vĩnh và ông Hóa không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Ông Vĩnh được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như quá trình điều tra khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội. Ngoài ra, ông có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương, bằng khen, là thương binh hạng 2/4. Mẹ ông Vĩnh là người có công với cách mạng được thưởng huân, huy chương…
Còn ông Hóa được nhận định là chưa thành khẩn, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình mà đổ lỗi cho người khác trong khi chính bản thân là người thực hành tích cực. Ông Hóa cũng được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như quá trình công tác đã có nhiều thành tích xuất sắc, được tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen. Ông Hóa là con, cháu liệt sĩ và đã có ý thức tự nguyện nộp số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Ba nhà mạng bị đề nghị truy thu 372 tỉ đồng Theo cáo trạng, trong vụ án này, các công ty viễn thông phát hành thẻ cào (gọi là nhà mạng) được hưởng tổng số tiền là hơn 1.230 tỉ đồng. Trong đó, Viettel là hơn 913 tỉ đồng, VinaPhone là hơn 147 tỉ đồng, MobiFone là hơn 171 tỉ đồng. “Đây là số tiền thu lợi không chính đáng đã được chứng minh nguồn gốc tiền là do các đối tượng đánh bạc mà có nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ” - cáo trạng nêu. Từ đó, VKS đề nghị truy thu tổng số tiền là hơn 372 tỉ đồng (đã khấu trừ tiền thuế GTGT đã nộp, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước và tiền chiết khấu bán thẻ cào cho các đại lý). Cụ thể, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel bị đề nghị truy thu hơn 274 tỉ đồng, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone hơn 38 tỉ đồng, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) hơn 60 tỉ đồng. |