Ông xe ôm làm “thầy đồ” tin học

Ở cái xóm nhỏ ven sông Hậu (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) có anh chạy xe ôm tên Đặng Ngọc Châu, tuổi ngoài 40 đột nhiên bỏ nghề khăn gói lên TP.HCM “tầm sư” học... tin học. Đó là chuyện cách nay gần 10 năm. Khi ấy, bà con lối xóm biểu “thằng chả khùng quá trời. Cơm hổng đủ ăn mà bày đặt với cao”. Giờ thì bà con lại rần rần cho con theo “thằng cha khùng” để học vi tính, tập tành lướt web... Qua tay anh xe ôm ấy đã có hơn 1.000 học trò đủ lứa tuổi giờ rành rẽ chuyện tin học...

Duyên nợ với máy vi tính

Ông Đặng Ngọc Châu sinh năm 1956 ở Sài Gòn, sau theo gia đình về Cần Thơ sinh sống. Tốt nghiệp Tú tài ban A, ông chọn học văn chương Anh-Mỹ của Đại học Vạn Hạnh và ghi danh học ngành sử của Đại học Văn khoa. Học đến năm thứ hai, vì gia cảnh khó khăn ông bỏ học về Vĩnh Long tìm kế sinh nhai. Đó là thời điểm giữa năm 1975, từ anh chàng thư sinh chỉ biết đến sách vở, giờ trong tay không có nghề nghiệp, ông lao vào làm thuê kiếm sống.

Từ làm cỏ thuê, vét mương, trục cỏ... việc gì ông cũng làm, miễn là sống được. Ông từng làm việc cho xã một thời gian rồi nghỉ và xách xe đạp ra đường chạy xe đạp ôm. Được vài năm, bạn bè, anh em thương, gom góp tiền mua cho ông chiếc Suzuki cà tàng để ông chuyển sang chạy xe ôm.

Nghề chạy xe ôm cứ ngỡ là cái nghiệp đeo suốt đời ông nếu như không có chuyện Trường cấp 2-3 Tân Quới ra thông báo tuyển dụng nhân viên hành chính và bảo vệ. Ông đến trường xin việc với hy vọng “được làm bảo vệ đã là may mắn lắm rồi”. Nhưng sau khi tìm hiểu gia cảnh, ban giám hiệu trường biết ông từng có bằng Tú tài, lại học dở dang hai đại học nên thầy Nguyễn Trước Lâm - Hiệu trưởng lúc bấy giờ đã nhận ông vào làm nhân viên hành chính văn phòng của trường. Lúc này, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo trang bị năm chiếc máy vi tính nhưng bỏ không và đã hư hỏng. Vậy là ông Châu mày mò tìm hiểu rồi sửa chữa. Thầy Nguyễn Trước Lâm động viên ông lên TP.HCM học tin học để sau này có đất dụng võ.

Khởi đầu gieo hạt mầm tin học

Nhà nghèo, gạo chạy ăn hàng ngày, tiền bạc không có. Vậy là ông dắt luôn hai đứa con gái lên TP.HCM ở nhờ nhà người chị và được chị cho tiền học một khóa tin học tại Đại học Bách khoa TP.HCM.

Chín tháng ròng rã ông đánh vật với những kiến thức căn bản về máy tính với phần cứng, phần mềm, hệ điều hành MS DOS, Windows rồi Word, Excel... “Học chín tháng vậy chứ đâu có bằng cấp như bây giờ. Xong phần nào thì có một giấy chứng nhận. Lấy ba cái giấy chứng nhận coi như tương đương trình độ A” - ông nhớ lại.

Với “hành trang” tin học ấy, ông về quê nhưng chưa dám “trổ tài” mà bắt đầu con đường tự học qua sách vở. Mỗi buổi sáng ông Châu phụ vợ xay cua, bày biện bàn ghế cho cái quán bún riêu trước cửa nhà rồi lọc cọc đạp xe qua Cần Thơ tìm chỗ thuê máy vi tính để thực hành những điều đã học từ sách. Riết rồi có bao nhiêu tiền lời từ nồi bún riêu của vợ đều dành cho ông mua sách và thuê máy tính để “luyện” tin học.

Năm 1999, thầy Nguyễn Trước Lâm bắt đầu giao cho ông Châu mở lớp tin học đầu tiên của Trường cấp 2-3 Tân Quới. Thông báo trước cả nửa tháng mà cũng chỉ có chưa tới 10 học sinh đăng ký. Không nản, ông Châu bắt đầu khóa đào tạo đầu tiên với năm cái máy cũ rích, chạy một, hai tiếng đồng hồ là tắt ngúm... Khóa học đầu tiên ấy khi đi thi bằng nghề cả 10 em đều rớt!

Dư luận trong trường bắt đầu xì xào về chuyện mở lớp dạy tin học. Ban giám hiệu phải mở ngay cuộc họp toàn thể giáo viên lấy ý kiến xung quanh việc có nên tiếp tục mở lớp tin học không. Chỉ có 3/60 phiếu đồng ý tiếp tục để ông Châu mở lớp, còn lại không đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng. Trong ba phiếu đồng ý, một là của ông Châu, hai phiếu còn lại là thầy Lâm - hiệu trưởng và thầy hiệu phó Trương Công Danh! Cuối cùng, thầy Lâm phải hỏi ý kiến ở Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long. Sở chấp thuận cho trường tiếp tục thử nghiệm thêm một khóa nữa, nếu không thành công thì dẹp bỏ cũng chưa muộn!

Ông bắt tay làm lại từ đầu với 18 học sinh theo học. Chỉ có năm máy nên phải chia ca ra thực tập. Học trò mang theo gạo, đồ ăn rồi mượn bếp của mấy hộ dân gần trường nấu ăn rồi lại vào học tiếp... 18 học trò khóa này khi sang Trường đại học Cần Thơ thi bằng A đều đậu. “Tiếng lành đồn xa”, số học sinh đăng ký học ngày càng đông, không chỉ học sinh mà nhiều thầy cô giáo và cả cán bộ xã Tân Quới cũng đăng ký học...

Người thầy giáo của bà con nông dân

Không thuộc biên chế của ngành giáo dục nhưng gần 10 năm nay, người dân ở các xã Thành Lợi, Thành Đông, Tân Quới, Tân Lược, Tân Hưng... đều gọi ông Đặng Ngọc Châu bằng thầy.

Thời gian biểu trong ngày của ông dày đặc những giờ lên lớp. Sáng vào Tân Quới, Tân Lược, trưa có giờ dạy tại nhà, chiều ông lại vào các xã dạy vi tính. Từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối là giờ lên lớp ở Trung tâm Tin học 126 - Bình Minh. Cứ vậy đều đặn bảy ngày trong tuần, chỉ có chiều Chủ nhật ông nghỉ ngơi với gia đình.

Học trò của ông đủ lứa tuổi, từ cậu học trò tiểu học đến bác nông dân chân lấm lem bùn đất. Ai đến với lớp học đều được ông Châu chỉ vẽ cặn kẽ đến khi rành rẽ mọi thứ căn bản về vi tính, chứ không tính thời gian học theo từng khóa. Nên mọi người hễ cứ rảnh là tạt ngang học vi tính nửa tiếng, một giờ rồi lại quay ra lo công việc.

Cũng từ “ngọn lửa tin học” do thầy Châu nhen nhóm cùng với sự động viên của thầy Nguyễn Trước Lâm, một số người dân ở Tân Quới, Thành Lợi, Tân Lược có điều kiện kinh tế khá giả đã bỏ tiền mở cơ sở tin học rồi mời thầy Châu về đứng lớp. Bây giờ, dọc quốc lộ 54, từ Thành Lợi đến Tân Quới, Tân Lược, Thành Đông và cả vùng quê heo hút Tân Hưng cũng có điểm truy cập Internet và những lớp dạy tin học...

PHAN GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm