Ông Xênh cổ vật - Bài 2: Bí ẩn tượng người châu Phi

Các nhà khoa học cho rằng hàng ngàn năm trước người châu Phi có thể đã từng đặt chân đến Đông Nam Á.

Ở bài trước chúng tôi đã giới thiệu ông Lâm Dũ Xênh, người đam mê sưu tầm cổ vật ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), thà chịu cảnh nghèo chứ nhất định không bán đi những cổ vật mà mình sưu tầm được, dù có món trị giá cả mấy trăm triệu đồng. Ông nói: “Ở nhà Xênh, cổ vật mỗi ngày chỉ tăng thêm chứ không mất đi. Xênh chỉ trao đổi và mua thêm chứ không bán kiếm tiền. Cổ vật họ giao cho Xênh là để giữ gìn cho con cháu. Cổ vật nó có hồn, bập vô nó là không yên đâu!”.

Ông Xênh nói bằng giọng nghiêm trọng rồi kể lai lịch một số cổ vật khiến người nghe phải nửa tin nửa ngờ vì nó quá nhuốm màu sắc tâm linh, huyền bí.

Kỷ vật của người bạn xấu số

Ông Xênh kể lần nọ ông bất ngờ nhận được tin nhắn của anh Thành - một người bạn ở khu dân cư Trà Bồng, huyện Bình Sơn. Đến nhà bạn vào buổi chiều, gió biển đã xóa đi cái nóng hầm hập cả ngày thiêu đốt. Ông Xênh vừa ngồi xuống đã nhổm dậy, ngó nghiêng vô tủ, la lên: “A, quý hóa quá, hàng độc, hàng độc đó nghen!”. Ông xuýt xoa khi thấy chiếc nồi binh khí và ba cái rìu sắt của người Sa Huỳnh hàng ngàn năm được anh Thành đặt thành một hình vòng cung trong tủ kính. Cổ vật này có niên đại khoảng 2.500 năm và được phát hiện tại di chỉ Gò Quê. Vùng này đã được các nhà khảo cổ nhận định là ngôi làng của người tiền sử Sa Huỳnh trú ngụ để vươn ra biển. Các cụ già còn truyền miệng ngày xưa nơi đây giống như thung lũng thần linh.

Ông Xênh cổ vật - Bài 2: Bí ẩn tượng người châu Phi ảnh 1

Ông Lâm Dũ Xênh với tượng người châu Phi mà ông luôn giữ gìn như giữ báu vật. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Nhà nghèo, gia tài chẳng có gì, anh Thành chỉ lấy đó làm vật trang trí cho vui mắt, chủ yếu để khoe với bạn nhậu. Anh Thành vê bộ râu cười khà khà khi thấy ông Lâm Dũ Xênh cứ xuýt xoa cái mớ đồ vật mà theo anh chẳng có gì đáng giá. Rồi anh Thành hạ giọng và nài nỉ một cách kỳ lạ: “Cái này giao lại cho anh Xênh giữ”. Không để ý đến câu nói có điều gì đó khá mơ hồ, ông Xênh lấy 1 triệu đồng vừa bốc nóng ở tiệm vàng dúi vào tay bạn nhưng anh Thành từ chối.

“Canh cánh món nợ của người bạn trong lòng chưa có dịp trả, bảy ngày sau, tui bỗng nhận được hung tin: anh Thành đã mất trong một tai nạn giao thông” - ông Xênh kể. Dù đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng ông Xênh vẫn thấy ớn lạnh trong người, ông cho rằng mình được người bạn “ủy thác” việc giữ gìn cổ vật.

Thương tiếc người bạn hữu, mỗi khi mang những cổ vật này tham gia triển lãm ở các tỉnh, ông Xênh luôn đặt thành hình vòng cung như trong tủ của anh Thành.

Bức tượng quý hơn vàng

Trong số hơn 10.000 cổ vật trong ngôi nhà ba tầng, ông Xênh dành sự chú ý đặc biệt cho pho tượng người châu Phi. Tượng này được ông Xênh thường xuyên lau chùi và trân trọng thắp hương. Trước mỗi chuyến đi xa, ông Xênh thường cẩn thận xoay bức tượng quay mặt vào trong để tạm biệt. Khi trở về, ông lại xoay mặt bức tượng ra ngoài để nhìn ngắm mỗi ngày.

Ông Xênh kể năm 1980, khi đi thanh niên xung phong ở biên giới Tây Nam, một người dân tộc đã mang bức tượng người châu Phi nhặt được trong rừng le tặng cho anh Hà, bạn của ông Xênh. “Giữa rừng thiêng nước độc, cuộc sống rất vất vả, lo miếng cơm bữa no bữa đói, không ai hoài tâm để nghĩ đến cổ vật, nhất là bức tượng bề ngoài không có gì là đặc biệt. Nhưng không hiểu sao anh Hà rất trân trọng bức tượng đen xỉn như một khúc củ mì. Không ngờ sau khi tặng tượng cho anh Hà, một tuần sau người dân tộc tặng tượng đó đã chết vì đạp phải bom mìn”.

Bảy năm sau, anh Hà bỗng móc ba lô đưa cho ông Xênh bức tượng “như một sự ký thác bí ẩn” (lời ông Xênh - NV). Và ông Xênh đã giữ gìn cẩn thận pho tượng có niên đại 2.000 năm ấy đến giờ.

Người châu Phi từng cư trú ở Đông Nam Á?

Bức tượng người châu Phi trong gia tài cổ vật của ông Xênh cũng là dấu hỏi lớn cho các nhà khảo cổ học.

Năm 1977, tạp chí Khảo cổ học giới thiệu một bức tượng có phong cách lạ. Tượng người dưới chân có xoắn hình đinh vít, tóc xoăn, môi dày, trên hai má đều có hai vạch khắc song song. Bức tượng này được tìm thấy trong một đợt khai quật di chỉ văn hóa Đông Sơn ở vùng Thanh Hóa. Năm 1987, một nông dân từ Thanh Hóa đã mang ra Hà Nội một bức tượng có phong cách tương tự. Tượng có niên đại 3.000 năm. GS-TS Nguyễn Việt ở Viện Khảo cổ đã đúc một bức tượng thạch cao y hệt bức này và chuyến đi nào ông cũng mang theo với hy vọng tìm “người anh em” khác của bức tượng châu Phi, hầu giải mã những nghi vấn khoa học.

Trong lần đến thăm ông Xênh, GS Việt đã rủ ông Xênh đi điền dã để sưu tầm cổ vật. Khi chuẩn bị lên xe, theo thói quen, ông Xênh vào nhà xoay mặt bức tượng vào trong. “Không hiểu sao lúc ấy tui lại cầm bức tượng chạy luôn ra xe và bảo thầy Việt xem thử” - ông Xênh hồi tưởng.

Cầm tượng trên tay, GS Việt sững sờ. Thì ra cái mà ông tìm kiếm suốt 30 năm qua giờ đang hiển hiện trước mặt. GS Việt lập tức hoãn chuyến đi điền dã và lưu lại nhà ông Xênh để thực hiện những công việc khoa học cần thiết nhằm củng cố thêm giả thiết khoa học đã đặt ra trước đó: Liệu hàng ngàn năm trước, người châu Phi đã từng di cư đến khu vực Đông Nam Á và hiện nay họ trở thành một số tộc người sống ở các nước Indonesia và Philippines?

Theo các nhà nghiên cứu, trong phạm vi Đông Nam Á hiện vẫn còn một số nhóm người có nước da nâu đậm, tóc xoăn. Có thể trong quá khứ, tổ tiên họ đã từng làm thành những bộ lạc hay tiểu quốc hùng mạnh ở vùng lục địa Đông Nam Á và sáng tạo ra thể loại tượng như ông Xênh đang giữ. Tất nhiên, để khẳng định điều này các nhà khoa học còn phải cần thêm nhiều bằng chứng khảo cổ xác thực khác nữa…

* * *

Thú sưu tầm cổ vật của ông Xênh không phải là đi săn hàng độc để bán kiếm tiền. Nhiều cổ vật có giá trị lịch sử đã được ông biếu không cho các bảo tàng trong khi trước đó giới săn cổ vật từng trả giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nhưng có món, như hai cổ vật trên đây, ông luôn gìn giữ cẩn thận vì đối với ông, đó còn là kỷ vật gắn liền với kỷ niệm về những người bạn.

Cứu chiếc trống đồng hơn 2.500 tuổi

Sống chung với cả chục ngàn cổ vật vô giá, ông Xênh vẫn hằng ngày rong ruổi để thỉnh thêm cổ vật về nhà. Đôi khi là những đồ vật còn nguyên vẹn, còn phần lớn là những mớ bùng nhùng, cũ kỹ, tưởng như đồ đồng nát. Cho đến khi đưa vào kỳ cọ, dán, vá thì đồ vật mới hiện ra hình thù, hoa văn và bắt đầu có một cái tên và số phận.

Cái quan niệm “hình như ai đó ủy thác cho mình” rơi vào tiềm thức. Ông Xênh như người bị cổ vật mê hoặc. Ông không biết mệt mỏi khi đi săn lùng và cứu những cổ vật sắp bị bán tháo hay sắp bị ném vào lò sắt vụn. Có lần ông xuất hiện và cứu chiếc trống đồng Đông Sơn cũ nát sắp bị ném vào lò nấu, có lần là những mảnh gốm sau này ghép lại thành những chiếc bình quý giá... “Mình được ai đó giao nhiệm vụ giữ gìn cổ vật không để bị thất truyền. Nghe chỗ nào có cổ vật là Xênh tới liền. Xe ôm, xe đò, nửa đêm gì cũng tới coi cho biết. Nếu không mua được thì cũng cảm thấy thỏa cái lòng mình” - ông Xênh nói.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm