Trong những năm qua, bằng sáng chế và phí cấp phép luôn là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc tranh chấp giữa những công ty công nghệ, đơn cử như xung đột giữa Sonos và Google.
Sonos đã đâm đơn kiện Google vì một số tính năng trên Nest và Home đã vi phạm bằng sáng chế của công ty, ngay lập tức Google đã loại bỏ hoàn toàn các chức năng liên quan trên sản phẩm.
Tương tự, OPPO và OnePlus hiện đã phải rút sản phẩm khỏi các kệ hàng tại Đức sau khi thua kiện Nokia.
OPPO bị cấm bán tại Đức vì tranh chấp bằng sáng chế với Nokia. Ảnh: 9to5google |
Tranh chấp bằng sáng chế giữa Nokia và OPPO liên quan đến công nghệ 4G và đã diễn ra trong vài năm. Vào đầu tháng 7, tòa án khu vực Mannheim ở Đức đã đưa ra phán quyết có lợi cho Nokia, và kết quả là các sản phẩm của OPPO sẽ bị gỡ khỏi các kệ hàng tại nước này từ ngày 5-8-2022.
Chia sẻ với Android Police, người phát ngôn của OPPO nói rằng vấn đề bắt nguồn từ thỏa thuận cấp phép 4G với Nokia, khi gã khổng lồ Phần Lan đòi mức phí cấp phép gia hạn cao bất hợp lí.
Dù thông tin về các dòng điện thoại của OPPO tại Đức đã bị gỡ, nhưng người dùng vẫn có thể tiếp tục sử dụng điện thoại bình thường mà không gặp bất kì vấn đề nào.
Bên cạnh đó, OPPO còn nói rằng họ sẽ không hoàn toàn thoát khỏi thị trường Đức và sẽ tiếp tục bán các sản phẩm khác như tai nghe và phụ kiện. Hiện tại người dùng vẫn có thể mua điện thoại OPPO và OnePlus từ các cửa hàng và nhà bán lẻ bên thứ ba, đơn cử như Amazon (miễn là còn hàng).
Cửa hàng trực tuyến của OnePlus tại Đức “trống trơn”. Ảnh: TIỂU MINH |
OPPO xác nhận rằng họ đang làm việc với tất cả các bên liên quan để giải quyết vấn đề. Công ty hiện đang chiếm khoảng 10% thị phần smartphone tại Đức và xuất xưởng khoảng 2 triệu chiếc điện thoại thông minh mỗi năm trong khu vực.
Theo báo cáo, OPPO và OnePlus sẽ phải trả 2,5 Euro cho mỗi chiếc smartphone được bán dưới dạng phí cấp phép. Vấn đề là các bên sẽ phải kí kết một thỏa thuận cấp phép trên toàn thế giới để tuân thủ luật pháp của Đức, điều này đồng nghĩa với việc cả 2 công ty sẽ phải trả phí cấp phép cho smartphone được bán trên toàn thế giới, không chỉ ở Đức.
Ngoài Đức, Nokia đã kiện OPPO, OnePlus và các công ty khác thuộc sở hữu của BBK như realme và vivo ở Pháp, Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan về tranh chấp bằng sáng chế.
Nếu tòa án đưa ra phán quyết có lợi cho gã khổng lồ Phần Lan, nó có thể kết thúc bằng lệnh cấm bán đối với tất cả điện thoại thuộc sở hữu của BBK tại các quốc gia lớn ở châu Âu.
Trớ trêu thay, một số điện thoại Nokia do HMD sản xuất không còn được bán ở Đức sau một vụ tranh chấp bằng sáng chế tương tự xung quanh chức năng VoLTE.