Phác thảo bức tranh thị trường việc làm châu Á năm nay

(PLO)- Thị trường việc làm châu Á-Thái Bình Dương nhìn chung sẽ chưa ổn định trong năm 2023, khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn rung chuyển do lãi suất tăng, lạm phát và mối đe dọa dai dẳng của suy thoái kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang ILO News của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thị trường lao động châu Á-Thái Bình Dương phục hồi một phần sau tác động của dịch COVID-19 nhưng khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2023, khi các điều kiện dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Nhận diện thách thức

Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương 2022, số lượng việc làm ở khu vực năm 2022 cao hơn 2% so với mức trước khủng hoảng năm 2019, phục hồi từ việc mất hơn 57 triệu việc làm trong năm 2020.

Thị trường việc làm khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi khiêm tốn trong năm 2022 và khả năng chưa phục hồi hoàn toàn trong năm 2023. Ảnh: ILO

Thị trường việc làm khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi khiêm tốn trong năm 2022

và khả năng chưa phục hồi hoàn toàn trong năm 2023. Ảnh: ILO

Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn chưa hoàn tất. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực năm 2022 là 5,2%, tăng 0,5% so với năm 2019. Đến năm 2022, tất cả tiểu vùng đã lấy lại được số việc làm bị mất trong năm 2020 và đang cho thấy mức tăng việc làm khả quan so với năm 2019. Tuy nhiên, mức tăng việc làm không theo kịp tốc độ tăng dân số. Khu vực vẫn thiếu 22 triệu việc làm trong năm 2022, được dự đoán sẽ tăng lên 26 triệu trong năm 2023, do những trở ngại với tăng trưởng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu và khu vực hiện nay.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá lần đầu tiên về các ngành tại khu vực trong giai đoạn ba thập niên (1991-2021), xác định những ngành nào đang phát triển với vai trò là nguồn tạo việc làm, những ngành nào đang bị thu hẹp và những ngành nào tạo cơ hội cho “việc làm bền vững”.

Công nghệ thông tin và dịch vụ thông tin dù là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của khu vực về tăng trưởng việc làm nhưng chỉ có 9,4 triệu người làm việc trong lĩnh vực này trong năm 2021, tương ứng chỉ 0,5% tổng số việc làm.

Ba lĩnh vực tạo việc làm lớn nhất khu vực là: Nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá; chế tạo; thương mại bán buôn và bán lẻ. Tổng cộng ba lĩnh vực này chiếm 1,1 tỉ lao động vào năm 2021, tương đương 60% trong tổng số 1,9 tỉ lực lượng lao động của khu vực.

Song những ngành tập trung nhiều lao động thường có đặc điểm là năng suất lao động hạn chế, tiền lương thấp, điều kiện làm việc không đạt, thiếu bảo đảm về việc làm và thu nhập. Hầu hết người lao động trong các lĩnh vực này thiếu bảo trợ xã hội, mức độ phi chính thức cao và mọi lợi ích đạt được trong những thập niên gần đây phần lớn đã bị đại dịch xóa sổ.

“Thách thức trong tương lai là tăng cường và duy trì sự quan tâm của chính sách cũng như đầu tư công để đạt được việc làm bền vững và hòa nhập trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà phần lớn mọi người làm việc” - theo bà Sara Elder, chuyên gia kinh tế cấp cao của ILO và là tác giả chính của báo cáo.

Bà Chihoko Asada Miyakawa, trợ lý tổng giám đốc ILO kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng lưu ý rằng “điều quan trọng là phải mang lại sự tăng trưởng toàn diện và lấy con người làm trung tâm trong khu vực, chứ không phải bằng lòng với sự phục hồi “gần như” dựa trên việc làm phi chính thức và chất lượng kém”.

Mặc dù xu hướng việc làm ở châu Á-Thái Bình Dương có vẻ tích cực nhưng thị trường lao động khu vực vẫn chưa trở lại như trước khủng hoảng, với nhiều thách thức đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng trong tương lai.

Bà CHIHOKO ASADA MIYAKAWA, trợ lý tổng giám đốc ILO kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Điểm sáng nhất: Du lịch

Theo báo cáo “Tác động kinh tế của du lịch và lữ hành” 2022 - ấn phẩm thường niên của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới có trụ sở tại London (Anh), du lịch châu Á-Thái Bình Dương có thể là ngành duy nhất trên thế giới phục hồi trong năm 2023.

So với mức trước đại dịch, doanh thu du lịch năm 2020 ở châu Á-Thái Bình Dương giảm 59%, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Đóng góp của doanh thu du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực tăng khoảng 16%, thấp hơn mức 28% ở châu Âu và 23% ở Bắc Mỹ.

Tuy chưa có thống kế cuối cùng nhưng báo cáo cho thấy châu Á-Thái Bình Dương sẽ thu hẹp khoảng cách trong năm 2022, với mức doanh thu du lịch đóng góp vào nền kinh tế chung được dự báo tăng 71%. Du lịch khu vực tăng vọt trong năm 2022, khi những hạn chế kiểm dịch được nới lỏng đầu tiên ở Ấn Độ và Úc, sau đó là Malaysia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác, tiếp theo gần đây là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan.

Báo cáo kỳ vọng ngành du lịch khu vực sẽ phát triển hơn trong năm 2023 và 2024. Ước tính đến năm 2025 doanh thu du lịch sẽ đóng góp 32% vào GDP của khu vực so với trước đại dịch - vượt xa mọi khu vực khác, trừ Trung Đông (30%).

Báo cáo dự đoán ngành du lịch toàn cầu sẽ có thêm 126 triệu việc làm mới trong thập niên tới. Khoảng 65% sẽ ở châu Á-Thái Bình Dương.•

Người sử dụng lao động và người tìm việc nên chuẩn bị gì?

Với người sử dụng lao động, đó là nâng cao kỹ năng nhân viên và luân chuyển nội bộ, theo tạp chí Forbes.

Nâng cao kỹ năng không chỉ lấp đầy khoảng trống hiện tại mà còn giúp doanh nghiệp tránh được chi phí tuyển dụng. Chú trọng nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động hiện tại giúp doanh nghiệp giữ lợi thế trong thị trường việc làm cạnh tranh. Các tài năng hàng đầu có xu hướng tìm kiếm những công ty sẵn sàng đầu tư vào sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên.

Luân chuyển nội bộ giúp tạo kế hoạch kế nhiệm vững chắc hơn, tăng tỉ lệ giữ chân khi người có tiềm năng cao, hiệu suất cao có thể nhìn thấy hướng phát triển sự nghiệp của mình trong doanh nghiệp.

Đại dịch bùng phát, một lượng lớn người lao động làm việc từ xa. Lúc này người lao động có xu hướng sẽ tìm kiếm sự linh hoạt hơn ở nhà tuyển dụng tương lai và đây là điều các thị trường lao động đang lên cần chú ý trong năm 2023.

Năm 2023, người tìm việc có thể thấy ít vị trí mở hơn và có nhiều cạnh tranh hơn, do đó sẽ cần phải có chiến lược hơn trong tìm kiếm việc làm. Chăm chút sơ yếu lý lịch và tối ưu hóa thương hiệu chuyên nghiệp sẽ rất quan trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm